4 nội dung chính được chỉnh lý trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

NDO - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 23/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Nghị trường dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật lần này.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của Tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.

4 nội dung chính được chỉnh lý trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội lắng nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đó, chất lượng của dự thảo luật được nâng lên đáng kể. Trong đó, có 4 nội dung chính tiếp thu, chỉnh lý từ ý kiến của các đại biểu Quốc hội:

Một là, bổ sung 1 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.

Hai là, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối Tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Ba là, bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của Tổ chức tín dụng như: Khái niệm về vốn điều lệ (khoản 14 Điều 4); doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng (Điều 145), chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí (Điều 146), phân phối lợi nhuận và các quỹ (Điều 148), trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…

Đối với dự phòng rủi ro (Khoản 2 Điều 147), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý thành: “Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định”, thay vì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Bốn là, tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, đã bỏ quy định liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước tại khoản 1 Điều 168 của dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài các nội dung nêu trên, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: Thư tín dụng (khoản 25 Điều 4); Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép (Điều 27); Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của Tổ chức tín dụng (Điều 41); Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 43); Công khai, công bố thông tin (Điều 49); Tổ chức tín dụng là hợp tác xã (Mục 6, Chương IV); Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 102); Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại (Điều 114); khái niệm và hoạt động của Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.