Qua 4 tháng triển khai, đến nay, hội thi đã tiếp nhận 317 sản phẩm tham dự từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có nhiều nhóm sản phẩm đa dạng: Nhóm gốm sứ và thủy tinh; dệt, thêu đan, móc; mây, tre, lá; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ. Ngoài ra, còn các nhóm khác như: sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí; hoa, tranh...
Ban tổ chức vẫn đang tiếp tục nhận, bảo quản và trưng bày sản phẩm phục vụ công tác chấm thi đến ngày 20/10.
Dự kiến, sẽ có 35 giải được trao cho các tác phẩm xuất sắc vào ngày 2/11, trong khuôn khổ Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022 tại Hà Nội.
Tính đến cuối năm 2021, cả nước đã có 181 nghề truyền thống, 1.983 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (trong đó, có 1.338 làng nghề và 645 làng nghề truyền thống) và hàng nghìn làng nghề chưa được công nhận.
Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213.000 cơ sở (trong đó, có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210.000 hộ gia đình); tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành, nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60 nghìn tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: sản phẩm mây, tre, cói, thảm, gốm, sứ...
Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan tỏa các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.