Có 2.352 trường THPT (1.725 trường công lập, 627 trường ngoài công lập) với hơn 1,1 triệu học sinh triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10 THPT. Năm qua, môn Tin học đã được giảng dạy chính thức trong các nhà trường. Nhưng nhiều trường còn rất thiếu cả cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên dạy tin học (cả nước còn 27% số giáo viên tin học chưa đạt chuẩn đào tạo).
Kết quả qua một năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho thấy có 2,65% số học sinh có học lực đạt loại giỏi, 23,13% số học sinh loại khá, 52,8% số học sinh loại trung bình, 21,2% số học sinh loại yếu và 1,2% số học sinh loại kém.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, có 9/15 tỉnh miền núi phía bắc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 50%.
Trước mắt, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ làm việc với các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang xây dựng những biện pháp cụ thể tổ chức ôn tập cho những học sinh thi tốt nghiệp THPT (đợt hai). Thời gian tới, các tỉnh cần tích cực đầu tư nguồn lực, tổ chức học hai buổi/ngày ở một số trường, lớp THPT có điều kiện, hoặc nhiều hơn sáu buổi/tuần nhằm tăng thời lượng học cho học sinh.
* Trước đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức đánh giá thực trạng giáo dục cho trẻ em tiểu học có hoàn cảnh khó khăn và bàn giải pháp khắc phục vấn đề này. Cả nước hiện có hơn 7,3 triệu học sinh tiểu học, trong đó, số học sinh học yếu kém chiếm hơn 417 nghìn 100 em.
Tại các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, số học sinh yếu kém cũng tới gần bảy nghìn em.
Con số này ở các vùng nông thôn kinh tế phát triển vào loại khá như Hà Tây, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh là gần 7.500 em. Ðáng chú ý, Hà Tây, Nam Ðịnh lại có tỷ lệ học sinh tiểu học yếu kém khá cao. Riêng các tỉnh miền núi khó khăn, số đông là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi như Sơn La, Hà Giang, Trà Vinh, Ðác Lắc có tới hơn 47 nghìn 200 học sinh yếu kém, cao nhất là tỉnh Sơn La, Trà Vinh.
Cả nước hiện vẫn còn khoảng 7% số trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học chưa được đến trường hoặc bỏ học giữa chừng. Khoảng một triệu trẻ em trong độ tuổi đi học bị khuyết tật cả thể lực, trí lực, hơn 70% số trẻ em trong số đó không có cơ hội vào học ở các trường bình thường.