Cuộc chuyển quân lịch sử ở Cà Mau

70 năm về trước, vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc đã diễn ra sự kiện 200 ngày tập kết, chuyển quân ra miền bắc, nhằm thực hiện theo Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt, thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử đất nước có nhiều biến động. Cũng nhờ cuộc chuyển quân lịch sử ấy mà hơn 20 năm sau, đất nước Việt Nam bắc-nam sum họp một nhà. Báo Nhân Dân giới thiệu loạt bài 3 kỳ nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (đi đầu) kiểm tra công trường Cụm chuyến tàu tập kết ra bắc đang hoàn thiện những công đoạn sau cùng, xưa kia là bến chuyên chở dòng người tập kết tại cửa biển Sông Đốc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (đi đầu) kiểm tra công trường Cụm chuyến tàu tập kết ra bắc đang hoàn thiện những công đoạn sau cùng, xưa kia là bến chuyên chở dòng người tập kết tại cửa biển Sông Đốc.

Bài 1: Kỳ tích 200 ngày đêm tập kết ở Cà Mau

Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào năm 1954, sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi đó, miền bắc hoàn toàn giải phóng, miền nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời do quân đội Pháp và chính quyền tay sai quản lý, tiến tới cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Ðây cũng là hoàn cảnh mà lực lượng kháng chiến cách mạng ở miền nam tập kết ra bắc.

Ở Nam Bộ có 3 khu vực được Trung ương chọn tập kết đưa lực lượng cách mạng miền nam ra bắc, gồm: Hàm Tân-Xuyên Mộc; Cao Lãnh-Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau có thời gian tập kết dài nhất ở khu vực Tây Nam Bộ với 200 ngày đêm (từ 21/7/1954 -10/2/1955).

Những ngày sống trong lòng dân

Tại Cà Mau, trung tâm khu tập kết nằm dọc kênh xáng Chắc Băng thuộc xã Trí Phải và Trí Lực của huyện Thới Bình. Một số cụ còn sống kể lại, càng gần đến ngày chia tay thì nơi đây càng nhộn nhịp lực lượng tập kết và thân quyến đưa tiễn.

Lần theo địa chỉ cung cấp từ chính quyền địa phương, phóng viên tìm gặp bà Nguyễn Thị Mang (63 tuổi), nhà ở ấp 10 của xã Trí Phải. Bà Mang là con cụ Năm Mênh (Nguyễn Văn Mênh), người làm trâu thết đãi bộ đội thời điểm tập kết.

“Tôi từng nghe cha nói lại chuyện mổ trâu. Thời điểm ấy, nhà cũng không khá giả nhưng với tấm lòng với cách mạng, vì thương bộ đội, mừng vui đất nước hoà bình nên cha mua trâu về thết đãi”, bà Mang thuật lại chuyện xưa.

Theo các nguồn tài liệu từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo Tàng tỉnh Cà Mau, tại Chắc Băng xưa kia, Ban Chuyển quân của ta và Pháp cùng phối hợp công việc cho các chuyến trung chuyển quân. Cứ cách khoảng 7-10 ngày sẽ có một chuyến chuyển quân ra các tàu lớn của Ba Lan, Liên Xô đang đợi sẵn ở bờ sông Ông Ðốc (nay thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn thời).

Khu vực kênh xáng Chắc Băng ngày ấy, ta tổ chức xây dựng bến tàu dã chiến, một khu lán trại lớn cho lực lượng tập kết. Các nhân sự vào khu vực này nghĩa là đã có danh sách “đi”, chỉ chờ chuyến trung chuyển điểm danh là lên đường ra các tàu lớn. Trong thời gian chờ đợi, bà con vùng Trí Phải niềm nở đón tiếp lực lượng tập kết và thân quyến trong tình đồng chí, đồng bào ruột thịt.

Theo lời cụ Huỳnh Uy Nghiêm (89 tuổi, phường 2, thành phố Cà Mau), từng phụ trách công tác thiếu nhi thời tập kết, cũng từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, dọc tuyến Chắc Băng xưa kia, nhà nào cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho dòng người tập kết.

“Bà con trong vùng rất thương bộ đội. Nhà thì giúp chỗ ở, người thì hỗ trợ nước nôi, củi lửa, cá mắm... Ban đêm, cán bộ, bộ đội đi hoạt động chưa về, có gì ngon là họ chờ về ăn, tình cảm thân thiết lắm...” , cụ Nghiêm chia sẻ.

Lúc lên tàu tập kết mới 13 tuổi, nay đã lên chức bà, chức cụ khi ở tuổi 83, nhưng Nhà giáo Ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ vẫn không quên những ký ức của những ngày 70 năm về trước.

“Tuổi 13 bắt đầu xa gia đình với những ngày sống tập thể ở xã Trí Phải trong thời gian chờ lên tàu tại bến Sông Đốc. Những ngày này, tôi được sống trong sự đùm bọc, chăm sóc chu đáo của người dân, từ miếng ăn đến giấc ngủ”, cô Đàm Thị Ngọc Thơ, thuật lại.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình Lý Minh Vững, nhiều tài liệu còn ghi lại, trong những ngày tập kết, dọc theo kênh xáng Chắc Băng trở thành một điểm hẹn lịch sử, tiếp đón hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, học sinh chuẩn bị lên đường ra bắc. Thời điểm đó, nhà cửa người dân tuy không rộng, không nhiều nhưng bà con luôn sẵn sàng nhường chỗ cho cán bộ, bộ đội, học sinh, cho khách đến thăm con em chuẩn bị lên đường ra miền bắc.

“Chính quyền địa phương, Mặt trận, Hội mẹ chiến sĩ phân công nhau lo việc ăn, ở cho mọi người. Các má, các chị, các em thì may vá quần áo, đan nón, thêu khăn tay tặng bộ đội khi chuyển quân. Tình cảm đối đãi ấy như người trong một nhà, quý giá và thiêng liêng”, ông Lý Minh Vững khơi lại chuyện xưa.

Chuyến tàu không quên

Từ dòng kênh xáng Chắc Băng, nhân dân Thới Bình và một số vùng lân cận huy động hàng trăm chiếc xuồng, ghe các loại trực tiếp đưa các cán bộ, chiến sĩ, học sinh ra vàm sông Ông Đốc để lên tàu lớn đi tập kết. Trong niềm tự hào thiêng liêng cũng có những giây phút chạnh lòng, nghẹn ngào lúc chia tay…

Chú Nguyễn Phước Thẩm, một trong những chứng nhân của sự kiện 200 ngày tập kết tại Cà Mau, nay đã 94 tuổi, cho hay, thời điểm đó “đi” hay “ở” đều là nhiệm vụ, đều là vinh dự.

“Tôi là thành viên của Ðoàn Tuyên truyền lưu động do Tỉnh ủy thành lập để thực hiện nhiệm vụ giải thích, tuyên truyền Hiệp định Giơnevơ cho đồng bào. Phải nói không khí lúc đó rất sôi nổi, tràn đầy tinh thần và nhiệt huyết cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau. Nhân dân vô cùng phấn khởi, ủng hộ chính quyền cách mạng. Tôi và vợ có tên “đi” nhưng sau đó thì biết được tổ chức phân công ở lại”, chú Thẩm hồi kể.

Từng tham gia tập kết ra bắc vào năm 1954 và trở về miền nam công tác vào năm 1962, bác Lưu Ngọc Ẩn (ngụ Phường 6, thành phố Cà Mau), là cán bộ hưu trí công tác tại Tỉnh đội Cà Mau (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau), cho hay, thời điểm tập kết bản thân còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của cách mạng, bác và nhiều bạn bè cùng trang lứa đã mạnh dạn rời xa gia đình, quê hương, lên đường tập kết ra bắc để học tập với mong muốn sau này quay về cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước.

Theo lời Bác Ẩn, sau khi rời cửa biển Sông Đốc, tàu chạy đến và cập bến Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Ở đó, nhân dân miền bắc đón tiếp niềm nở, chân thành… trong tình cảm đồng chí, đồng bào.

“Sau đó, tôi được đưa đi học văn hoá, học lái xe, kéo pháo, học sĩ quan ở Học viện Hậu cần về chuyên môn kỹ thuật quản lý súng, đạn. Cũng nhờ đó, tôi và những người bạn đi cùng sau này có được những kỹ năng chiến đấu phục vụ cách mạng miền nam cho đến ngày giành được thắng lợi sau cùng”, bác Ẩn thuật lại.

Trong những chuyến tàu cuối cùng rời vàm sông Ông Ðốc để tập kết ra Bắc ngày 8/2/1955, đã có nhiều sự kiện vừa xúc động diễn ra, đến nay đã đi vào sử sách. Trong số đó có câu chuyện má Lê Thị Sảnh ở Ấp 10 (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) mang theo cây vú sữa non đựng trong bình tích uống trà, nhờ cán bộ, chiến sĩ tập kết gửi tặng đến Bác Hồ với lời nguyện ước: “Đồng bào miền Nam, nhân dân xã Trí Phải luôn luôn giữ vẹn lòng chung thủy son sắt với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo và nguyện vượt mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Cây vú sữa má Sảnh gửi tặng sau đó được tận tay Bác trồng, nâng niu chăm sóc ngay cạnh nơi ở và làm việc của mình, như hình ảnh miền nam luôn trong trái tim Người. Sau này, cây vú sữa miền nam trở thành biểu tượng thiêng liêng cho lòng kính yêu vô hạn của miền nam với Bác cũng như tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền nam.

Tại Cà Mau, cửa biển Sông Đốc được chọn làm bến tập kết 200 ngày đêm để đưa bộ đội và đồng bào miền nam ra miền bắc. Trong chuyến tàu cuối mang tên Kilinski hôm ấy tại cửa biển Sông Đốc, mọi người đều thấy đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, có mặt, nhưng đó chỉ để đánh lạc hướng quân thù. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu khi ấy được trao nhiệm vụ bí mật, đón “anh Ba” ở lại với đồng bào, với cách mạng miền Nam.

Ngay sau đó, tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã chấp bút soạn thảo những dòng đầu tiên “Bản Ðề cương cách mạng miền Nam”, là tiền đề để Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15 xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền nam.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt, sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, là chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyến tàu đã chuyên chở hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, học sinh… miền nam ra miền bắc lao động, học tập, tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng, giúp đất nước đi đến ngày thắng lợi sau cùng.