Sáng 2/1, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phổ biến các nội dung Thông tư Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới các cơ sở y tế trên cả nước. Phạm vi điều chỉnh Thông tư 01 tập trung vào các nội dung của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Ban hành danh mục bệnh thông tuyến không cần làm thủ tục chuyển tuyến
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt khoảng 94% dân số, số lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng trên 180 triệu lượt với số chi ước khoảng 142.000 tỷ đồng.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, Thông tư số 1/2025/TT-BYT có nhiều điểm mới, chưa từng có tiền lệ trong hệ thống văn bản BHYT.
Theo đó, Thông tư ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo phạm vi, quyền lợi người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, không phải có phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn một năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.
Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai, góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh.
Điều này cũng giúp tiết kiệm được những chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên và các chi phí khác liên quan đến thân nhân người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị, góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Đồng thời, quy định danh mục các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được chuyển cấp ban đầu để quản lý và được hưởng các quyền lợi về thuốc, thiết bị y tế theo chỉ định chuyên môn của cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Quy định này vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh được quản lý, theo dõi bệnh và sử dụng thuốc, thiết bị y tế mới, có chất lượng và hệ thống y tế cơ sở có điều kiện hơn để phát triển chuyên môn kỹ thuật.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế. |
Theo bà Trần Thị Trang, đây là nội dung khó và cần có quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và thận trọng từng bước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, giữ vững tính ổn định bền vững của hệ thống và để y tế cơ sở cấp dưới được tiếp xúc đa dạng mặt bệnh có điều kiện phát triển chuyên môn chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến.
Bên cạnh đó, khi triển khai cần phải bảo đảm cân đối quỹ, tránh tình trạng quá tải ở cấp cao hơn. "Thí dụ, một số bệnh huyết áp, tiểu đường... nếu thông tuyến lên cấp chuyên sâu, sẽ gây ra quá tải ở cấp tuyến trên, ảnh hưởng trực tiếp người bị bệnh nặng", bà Trang dẫn chứng. Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cũng cần phải tính tới yếu tố cân đối quỹ.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện của Bệnh viện K cho biết, sau khi Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi có hiệu lực, hiện nay 20 nghìn bệnh nhân BHYT hiện tại đang điều trị tại bệnh viện không cần phải xin giấy chuyển viện. Đây là điều rất thuận lợi cho người bệnh trong giảm các thủ tục không cần thiết.
Không phân biệt địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT cấp ban đầu
Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi là quy định trường hợp lưu trú và thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đối tượng người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình…
Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp ban đầu, cấp cơ bản khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu chủ yếu ở cấp khám chữa bệnh ban đầu, một phần ở cấp cơ bản, hạn chế đăng ký ở cấp chuyên sâu góp phần tăng cường khám chữa bệnh BHYT ở tuyến y tế cơ sở. Quy định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế theo hướng thuận tiện hơn cho người bệnh và cải cách thủ tục, dễ áp dụng. Đây là các quy định quan trọng để tổ chức quản lý, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong quy định việc sử dụng Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID của Bộ Công an theo nhiệm vụ của Đề án 06/CP của Chính phủ thời gian qua.
Theo số liệu do BHXH Việt Nam cung cấp, đến cuối năm 2024, cả nước đã có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, trong đó đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - Cục C06 Bộ Công an được gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại để hiển thị lên ứng dụng VNeID.
Việc triển khai Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT điện tử và Phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển người bệnh, tái khám, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tái khám.
Theo bà Trần Thị Trang, việc sửa Luật Bảo hiểm Y tế trên quan điểm tăng cường tối đa đăng ký ban đầu về cấp y tế cơ sở. Thông tư 01 quy định rõ, khám chữa bệnh BHYT ban đầu phải tập trung ở cơ sở cấp ban đầu, chỉ một số ít cơ sở y tế đặc thù cấp chuyên sâu ở tuyến Trung ương mới được đăng ký BHYT ban đầu.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc tổ chức triển khai khám chữa bệnh, tư vấn cho người bệnh về quyền lợi, các bệnh được lên thẳng cấp cơ bản, chuyên sâu, công khai kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật và số điểm trên trang thông tin điện tử để người dân biết...