16 năm "sống" nhờ những đơn vị máu hiến

NDO - 16 năm sống nhờ những đơn vị máu hiến, Nguyễn Dương Hưng (quê Vĩnh Phúc) năm nay 16 tuổi và mẹ luôn mang trong mình sự biết ơn với những người hiến máu để em có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay. 
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại Trung tâm thalassemia.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại Trung tâm thalassemia.

Tiếp nhận hơn 800 đơn vị máu trong 16 năm

Em Nguyễn Dương Hưng (quê Vĩnh Phúc) năm nay 16 tuổi, nhưng em chỉ mang dáng người nhỏ bé như một cậu học sinh cấp II. Số tuổi của Hưng cũng chính bằng số năm mà hai mẹ con cùng nhau đi viện. Cả hai mẹ con đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Khi cơ thể thiếu máu, Hưng và mẹ trong trạng thái mệt mỏi, ăn ngủ kém. Chỉ đến khi được nhập viện và truyền đủ máu, sức khoẻ của hai mẹ con ổn định trở lại.

Chị Dương Bích Ngọc, mẹ của Hưng nhẩm tính, trong suốt những năm qua cả hai mẹ con đã được truyền hơn 800 đơn vị máu. Bởi tháng nào họ cũng đi viện khoảng chục ngày, cứ ròng rã như thế từ năm 2008. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Là người bệnh gắn bó lâu năm với Viện, chị Bích Ngọc đã chứng kiến nhiều sự đổi thay trong hoạt động hiến máu. 16 năm điều trị tại Viện của chị Bích Ngọc cũng là 16 kỳ Chủ Nhật Đỏ được tổ chức. Nhiều năm trước, khi phong trào hiến máu chưa diễn ra sôi nổi như bây giờ, tình trạng thiếu máu thường xuyên xảy ra vào giai đoạn trước Tết, trong dịp hè.

16 năm "sống" nhờ những đơn vị máu hiến ảnh 1

Hai mẹ con em Nguyễn Dương Hưng (quê Vĩnh Phúc).

Khi Chủ Nhật Đỏ và nhiều sự kiện hiến máu được ra đời, hoạt động tuyên truyền đã tác động đến nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện, từ đó làm thay đổi hành động của mỗi người và lượng người hiến máu dần tăng lên.

Chủ Nhật Đỏ được tổ chức nhằm vận động hiến máu, mang lại cơ hội sống cho người bệnh trong những ngày Tết đến xuân về. Và thực sự, nhiều người bệnh như hai mẹ con chị Bích Ngọc đã được truyền máu kịp thời để sum vầy bên gia đình những ngày cuối năm.

“Cảm ơn tình cảm của các anh, chị, cô, chú đã trao tặng những giọt máu quý giá. Bởi mỗi giọt máu trao đến cho người bệnh chính là trao cho chúng cháu sự sống và cả niềm hy vọng để chúng cháu có đủ điều kiện sức khoẻ tiếp tục công việc", chị Bích Ngọc tâm sự.

Chị Bích Ngọc hiện đang làm văn thư tại một Trường THCS ở Vĩnh Phúc và được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để chị đi viện điều trị theo lịch hẹn hàng tháng.

Ngoài công việc tại trường, chị Ngọc làm thêm nhiều công việc khác nhau để duy trì cuộc sống cho hai mẹ con, nhất là khi Hưng đã lên cấp III. Khi được truyền đủ máu, có sức khoẻ, chắc chắn mọi thứ sẽ thuận lợi hơn cho cả hai mẹ con chị Ngọc. Người bệnh có được chất lượng cuộc sống tốt hơn có một phần đóng góp rất quan trọng từ những người hiến máu tình nguyện.

Để phòng bệnh tan máu bẩm sinh

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Mỗi thể bệnh là do bất thường tổng hợp một loại chuỗi globin; Có hai thể bệnh chính là alpha thalassemia và beta thalassemia; ngoài ra có các thể phối hợp khác như thalassemia và bệnh huyết sắc tố.

16 năm "sống" nhờ những đơn vị máu hiến ảnh 2

Bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc.

Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

Để phòng bệnh tan máu bẩm sinh, sinh ra thế hệ trẻ khỏe mạnh, các bác sĩ khuyến cáo, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gen bệnh càng sớm càng tốt.

Người mang gene bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gene để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng.

Các cặp đôi cùng mang gene đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh phù hợp. Nếu người vợ đã mang thai cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu nhằm phát hiện gene bệnh có thể có ở thai nhi và tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) mức độ nặng.