150 trang lòng vòng Hà Nội

Thật khó để mô tả toàn bộ và chi tiết mọi điều về Hà Nội chỉ trong 150 trang sách nhưng bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, lời giới thiệu ngắn gọn, hài hước, cuốn The Hanoi Digest của Lê Kiên Trung đã trở thành cẩm nang cho nhiều khách du lịch nước ngoài, cũng như người nước ngoài nói chung, khi đến Việt Nam mà cụ thể là Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Lê Kiên Trung cùng cuốn The Hanoi Digest của anh.
Lê Kiên Trung cùng cuốn The Hanoi Digest của anh.

Điều đáng nói là Trung viết The Hanoi Digest bằng tiếng Anh và tự vẽ minh họa cho các chủ đề với ý tưởng hoàn toàn rất khác, rất độc đáo so với nhiều cuốn cẩm nang về du lịch.

Và điều đáng nói nữa là tác giả của The Hanoi Digest chỉ mới sinh năm 1993 và một mình anh thực hiện tất cả các khâu để cuốn sách đến tay bạn đọc, từ viết, vẽ, biên tập, lên ý tưởng bìa, xin giấy phép xuất bản và phát hành.

“Ăn sập Hà Nội”

Đọc lời giới thiệu ở bìa 4 của cuốn sách: “Nếu bạn đến Hà Nội và muốn có một sự hướng dẫn du lịch sáng tạo và vui vẻ, The Hanoi Digest là dành cho bạn”, thử hỏi có người khách nước ngoài nào không tò mò về những gì viết trong đó.

Thoạt nhìn những hình vẽ ngây ngô, vui nhộn, người ta sẽ nghĩ đây là một cuốn sách học tiếng Anh của trẻ con nhưng nếu đọc mục lục và các chủ đề, đây rõ ràng là một cuốn sách giới thiệu và chỉ dẫn về du lịch, văn hóa, con người, ẩm thực và các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội.

Điều quan trọng như Trung cho biết là anh không đi sâu vào từng vấn đề, diễn giải dài dòng và dễ khiến đối tượng là những khách du lịch mới đến Việt Nam và Hà Nội lúng túng, bối rối, thay vào đó anh chọn cách giới thiệu ngắn gọn cùng những tranh vẽ minh họa hài hước.

Phải thừa nhận 5 chương với 150 trang của The Hanoi Digest đã bao quát cơ bản nhiều vấn đề mà mọi khách du lịch hay người nước ngoài cần tìm kiếm ở Hà Nội.

Một vài lời giới thiệu chung về Hà Nội, những mẹo vặt, để an toàn, ăn uống, vui chơi và chia tay, du khách chắc chắn không thể mong đợi gì hơn trong một vài ngày nghỉ ngơi của họ tại Thủ đô.

Nếu họ quyết định gắn bó lâu dài với Hà Nội và ở Việt Nam lâu hơn, đó lại là vấn đề khác nhưng nếu Hà Nội chỉ là một điểm dừng chân của họ, The Hanoi Digest thật sự như cẩm nang không thể thiếu trong hành trình khám phá cơ bản về thành phố có hơn 1.000 năm tuổi này.

Thực tế thì với khách du lịch, cái tên The Hanoi Digest đã mang nhiều nghĩa thú vị.

“Digest” nghĩa là tiêu hóa (thức ăn), hiểu ở đây giống như “Ăn sập Hà Nội” nhưng cũng có nghĩa là hiểu thấu, lĩnh hội, như kiểu hiểu về Hà Nội. Và “Digest” cũng có nghĩa là phân loại, tóm tắt có hệ thống, hiểu ở đây là Hà Nội tổng hợp.

Và khi lật giở bên trong, thấy chủ đề về văn hóa, du lịch, ẩm thực, con người, cảnh quan Hà Nội, cùng những minh họa hài hước, nhiều người sẽ muốn tìm hiểu xem tác giả diễn đạt các vấn đề như thế nào.

Theo Trung tâm sự, ý tưởng đặt tên The Hanoi Digest xuất phát từ một cuộc gặp tình cờ giữa anh với hai người bạn Canada. Khi đó, anh mới viết được khoảng 30 trang và muốn cho hai người Canada xem qua để tham khảo, góp ý. Họ đọc xong và có nói đến từ “digest”, ý như rất dễ đọc, dễ hấp thụ.

Tuy nhiên, điều quan trong ở The Hanoi Digest là ý tưởng thực hiện cuốn sách của Trung. Xem mình ở vai trò của một khách du lịch mới đến Hà Nội, điều anh cần không phải là những kiến thức, thông tin sâu rộng về thành phố mà là những thông tin cần thiết, vừa đủ. Thậm chí, biến những điều nhàm chán, ai cũng biết thành những điều thú vị, hài hước.

Đây là điều Trung học được từ chính những người nước ngoài đã đến Hà Nội, được họ đăng trên các hội, nhóm trên mạng xã hội và với ý nghĩ sách viết cho người nước ngoài thì phải theo tư duy của người nước ngoài, không thể như người Việt Nam viết cho người Việt Nam, đưa nhiều ý kiến cá nhân, kiến thức vào như một chuyên gia, cho nên nội dung các chủ đề đều là những thông tin cơ bản, được anh chuyển tải theo một hình thức đơn giản, vui vẻ.

Chẳng hạn như nói về sự sống lâu của cụ rùa ở hồ Gươm, Trung lồng vào đó hình ảnh các đời Tổng thống Mỹ như Abraham Lincoln hay Theodore Roosevelt để minh họa.

Vì thế, khách du lịch hay người nước ngoài, thậm chí người Việt Nam, thích và tìm mua The Hanoi Digest không phải vì Trung cung cấp thêm cho họ thông tin gì mới về Hà Nội mà anh trình bày thông tin đó theo cách mà họ thấy sảng khoái, dễ đọc, dễ nhớ, dễ mang theo và dễ tặng cho nhau.

Người kể chuyện Hà Nội

Ở phần đầu cuốn sách, Trung có những chia sẻ về bản thân có thể được xem là bước ngoặt trong cuộc đời và việc học của anh, cũng như là tiền đề cho sự ra đời của The Hanoi Digest. Trung tâm sự, khi còn trẻ, mong muốn được gặp gỡ mọi người và rèn luyện tiếng Anh đưa anh đến với một nhóm sinh viên tình nguyện dẫn tour miễn phí cho khách du lịch tại Hà Nội có tên gọi Hanoikids.

150 trang lòng vòng Hà Nội ảnh 1

Học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội với cuốn The Hanoi Digest. (Ảnh GIA HÂN)

Thế nhưng, chỉ sau một buổi tiếp xúc, anh trở nên thiếu tự tin vì vốn kiến thức ít ỏi của mình về Hà Nội. Vậy là anh rời nhóm cùng ý nghĩ một ngày nào đó, anh sẽ trở lại như là một thành viên tích cực. Trung đọc nhiều bài viết về Thủ đô, tham gia các hội nhóm, trong đó có Hanoi Massive, xem hàng nghìn video của khách du lịch để xem họ cần và muốn biết những gì về Hà Nội.

Năm 2016, chàng trai người Hưng Yên nảy ra ý tưởng tập hợp những điều bổ ích và vui vẻ học được từ những vị khách nước ngoài thành một file để chia sẻ, giúp khách du lịch vừa có thông tin mình muốn, vừa khiến họ cảm thấy thư giãn, dễ chịu khi đến Hà Nội.

Ý tưởng là vậy nhưng phải đến đầu năm 2018, Trung mới thực hiện một cách nghiêm túc. Lúc này, anh đang làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên về thiết bị y tế sau khi tốt nghiệp khoa Tài chính-Ngân hàng của Trường đại học Hà Nội năm 2015.

Thật tình cờ là tại công ty có một thực tập sinh người Italia, Bruna Dall’asen, người sau này đã được anh dành tặng những lời cảm ơn ở đầu cuốn The Hanoi Digest. Dall’asen đã đọc file tổng hợp mà Trung gửi cho và cho rằng anh nên viết thành một cuốn sách có chia thành các chủ đề và kèm hình ảnh minh họa như một cuốn guide-book.

Không biết vẽ nhưng cũng không nhờ ai, Trung bắt đầu học vẽ để minh họa cho các ý tưởng của mình. Bắt đầu từ ứng dụng Sketchbook, rồi trên chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 4 và sau này là máy tính bảng, rồi iPad Air 4.

Dù mất rất nhiều thời gian và hình vẽ rất tệ nhưng như anh đánh giá, điều quan trọng vẫn là ý tưởng, để người đọc cảm thấy có sự thú vị và hài hước, cũng như sự ngộ nghĩnh ở mỗi hình vẽ.

Ngoài vẽ, ngôn ngữ mà ở đây là tiếng Anh cũng là một bất lợi khác của Trung, dù ở Trường đại học Hà Nội, anh học bằng tiếng Anh. Thế nhưng, nếu may mắn cho Trung gặp Dall’asen, thì may mắn cũng cho anh gặp Gus Roe và Stella Ciorra, những người Anh đã giúp anh hiệu đính cuốn sách.

Roe từng viết sách về võ thuật Việt Nam (The Martial Arts of Vietnam-An Overview of the History and Styles, tạm dịch là Võ thuật Việt Nam-Vài nét lịch sử và các môn phái) và giúp anh in The Hanoi Digest bản đầu tiên cuối năm 2018 dưới cái tên Nhà xuất bản Westlake.

Sau khi bản in chính thức The Hanoi Digest tại Nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2020, Ciorra, vốn là Phó Chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam, một người không chỉ yêu di sản Việt Nam mà còn yêu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là áo dài, giúp anh hoàn thiện cuốn sách hơn nữa.

Vì thế, Trung cũng dành những lời cảm ơn đặc biệt đến Roe và Ciorra ở đầu cuốn sách vì đã đưa ra các ý tưởng và giúp anh hiệu đính The Hanoi Digest.

Đến nay, The Hanoi Digest đã được Nhà xuất bản Thế Giới tái bản lần thứ nhất nhưng như Trung thừa nhận, nội dung vẫn dựa trên ý tưởng của bản in năm 2018 và anh chỉ có một ít thay đổi về hình vẽ do hai năm đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bản in dự kiến trong năm 2023 sẽ có thêm những phần mới, trong đó Trung có nói đến cầu Long Biên và Hoàng thành Thăng Long.

Đấy có thể là một lời gợi ý của ai đó và cũng có thể là kết quả của những ngày Trung lang thang Hà Nội trong hơn 12 năm qua kể từ ngày anh lên thành phố học đại học.

Vì yêu Hà Nội mà anh làm vậy và cũng vì những ý tưởng mới cho The Hanoi Digest có thể xuất hiện trong những chuyến đi như thế mà anh duy trì như một thói quen.

Liệu có trùng hợp khi anh đã để câu trích “Traveling-it leaves you speechless, then turns you into a storyteller” của Ibn Battuta, nghĩa là “Đi du lịch-nó khiến bạn không nói nên lời, sau đó lại biến bạn thành một người kể chuyện” ngay ở đầu cuốn The Hanoi Digest, như thể anh muốn kể câu chuyện của bản thân mình và cũng là câu chuyện của những người thích xê dịch, thích khám phá.

Và chàng trai sinh năm 1993 đang ấp ủ những cuốn sách tương tự về Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong một tương lai không xa.