Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất chủ trương cho phép 15 bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 như đề nghị của Sở Y tế tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan căn cứ các quy định hiện hành và thực tế của địa phương để hướng dẫn các bệnh viện hoàn thành hồ sơ, thủ tục để tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh được hiệu quả và đúng theo quy định. Các bệnh viện phải thực hiện phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, 15 bệnh viện tư nhân tham gia thu dung, khám, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19 được cho phép, gồm: Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Becamex, Bệnh viện đa khoa Medic Bình Dương, Bệnh viện đa khoa An Phú, Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 1, Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 2, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo Thuận An, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn - Bình Dương, Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương, Bệnh viện đa khoa tư nhân Bình Dương, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo Dĩ An, Bệnh viện đa khoa Châu Thành Nam Tân Uyên, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Quốc tế Columbia, Bệnh viện đa khoa Phương Chi.
Qua kết quả đánh giá, các bệnh viện này đều đạt tiêu chuẩn bệnh viện an toàn phòng, chống Covid-19 theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 6/7/2020 của Bộ Y tế. Các bệnh viện sẽ dành 40% giường bệnh để thu dung, khám, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19; 60% giường bệnh duy trì hoạt động khám, chữa bệnh theo chức năng của bệnh viện.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến 17 giờ ngày 7/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 138.593 ca mắc Covid-19, trong đó có 83.980 bệnh nhân Covid-19 được điều trị bớt bệnh xuất viện. Hiện, các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang cách ly, điều trị 54.221 bệnh nhân.
Để công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đạt hiệu quả, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt hơn nữa công tác thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong; bố trí các Trạm y tế lưu động phù hợp tại các địa phương “vùng đỏ”, “vùng xanh”, tại các khu, cụm công nghiệp nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể.