12 năm đưa hàng hóa tại Việt Nam niêm yết liên thông thế giới

NDO - Trải qua 12 năm phát triển, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả; góp phần vào quá trình hội nhập thương mại và kinh tế của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Được thành lập vào ngày 1/9/2010, MXV là sở giao dịch hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. (ẢNH: MXV)
Được thành lập vào ngày 1/9/2010, MXV là sở giao dịch hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. (ẢNH: MXV)

Tháo nút thắt liên thông giao dịch, vươn mình ra biển lớn

Sau khi mở cửa nền kinh tế, nhu cầu giao thương hàng hóa được mở rộng từ thị trường Việt Nam ra khắp các thị trường tiềm năng trên toàn thế giới. Các trung tâm, Sở Giao dịch Hàng hóa từ đó được hình thành như một bước tất yếu để hòa mình vào lịch sử phát triển hàng trăm năm tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của các Trung tâm, Sở Giao dịch này đều không đạt kỳ vọng và hiện đã dừng hoạt động.

Với vai trò là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV đã lắng nghe những ý kiến đóng góp của các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị trường trong nước.

Hoạt động giao dịch hàng hóa chính thức được “cởi trói” sau khi Bộ Công Thương thực hiện Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, cho phép MXV liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch thế giới. Đây là bước ngoặt, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của thị trường trong giai đoạn 2018-2022.

Việc liên thông giao dịch với thế giới đã khắc phục được những bất cập của thị trường trong giai đoạn trước và hình thành một thị trường giao dịch hàng hóa hội tụ đầy đủ những ưu điểm như: (i) Thị trường hoàn toàn minh bạch, không có hiện tượng thao túng giá; (ii) Tính thanh khoản cao khi các lệnh giao dịch được đẩy trực tiếp lên các Sở Giao dịch thế giới; (iii) Đa dạng mặt hàng và các loại hợp đồng kỳ hạn được giao dịch; (iv) Giao dịch điện tử 24 giờ mỗi ngày, từ 4h sáng thứ hai đến 4h sáng thứ bảy hàng tuần; (v) Vừa là kênh bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, vừa là kênh đầu tư hiệu quả đối với các nhà đầu tư.

12 năm đưa hàng hóa tại Việt Nam niêm yết liên thông thế giới ảnh 1

Sau 12 năm thành lập và phát triển, hiện nay MXV đang liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới như: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia (BMD).

Đây đều là những Sở Giao dịch có khối lượng lớn nhất thế giới đối với các loại hàng hóa nguyên liệu. Trong đó, CME Group được thành lập từ năm 1848, hay LME được thành lập vào năm 1877, là những Sở Giao dịch Hàng hóa lâu đời nhất của Mỹ, Anh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Tính đến hết ngày 31/08/2022, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm chia thành 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, hầu hết là các mặt hàng thế mạnh và quan trọng đối với thương mại và kinh tế của Việt Nam như xăng dầu, cà-phê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cao-su, kim loại,….

Giao dịch tăng trưởng đột phá nhờ nền móng đào tạo và quản lý rủi ro

Theo số liệu từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, khối lượng giao dịch hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch liên tục phá vỡ các kỷ lục trong quý 1/2022.

Sự tăng trưởng ở cả nhóm doanh nghiệp và cá nhân đã giúp khối lượng giao dịch tại MXV tăng ổn định và bền vững từ đầu năm 2022 tới nay, kể cả khi giá hàng hóa nguyên liệu đã bình ổn trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng, khi thị trường phát triển và tăng trưởng không phụ thuộc vào những biến động bất thường của thế giới.

Kết quả ấn tượng này có sự đóng góp rất lớn của các thành viên thị trường, là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức thị trường một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. 36 thành viên cùng các văn phòng, chi nhánh trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước đã giúp lan tỏa thị trường hàng hóa đến với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV, tính đến hết tháng 8/2022, toàn thị trường hiện có hơn 1.000 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo định kỳ và gần 200 học viên hoàn thành khóa môi giới nâng cao. Các khóa đào tạo được MXV tổ chức đều đặn hàng tháng với sự tham gia của các Thành viên, nhà môi giới, nhà đầu tư trên khắp cả nước.

Bên cạnh đó, MXV đã liên tục phối hợp với các trường đại học, học viện và các Sở Giao dịch liên thông, tổ chức những hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo được tiếng vang lớn đối với giới nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đang ghi nhận những sự kiện chưa từng có trong lịch sử, nghiệp vụ Quản lý rủi ro luôn là nghiệp vụ trọng tâm được MXV yêu cầu các thành viên thị trường triển khai một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Cùng với đó, MXV đã xây dựng các công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu dựa trên các thuật toán xác suất, thống kê. Vì vậy trước những biến cố thị trường như trên, Khối Quản lý Rủi ro MXV đã hoạt động liên tục 24/7 và có những khuyến nghị đến thành viên, giảm bớt vị thế của những khách hàng nắm giữ vị thế lớn để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất. Điều này không chỉ giúp các Thành viên giảm thiểu áp lực, mà còn giúp các nhà đầu tư tránh được những rủi ro khi giá hàng hóa biến động mạnh.

12 năm đưa hàng hóa tại Việt Nam niêm yết liên thông thế giới ảnh 2

Hội nhập kinh tế, nâng tầm vị thế của thị trường hàng hóa Việt Nam

Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác quốc tế. Đầu tháng 08/2022, Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE), Công ty Công nghệ đa quốc gia CQG đã tới thăm và làm việc tại trụ sở MXV.

Các đối tác đều vô cùng ấn tượng trước sự lớn mạnh của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam và đánh giá sự tăng trưởng là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, đại diện CME Group đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, để xứng tầm với tiềm năng của một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu hàng đầu thế giới. Các đối tác quốc tế cũng coi MXV là đối tác chiến lược để phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Việc thị trường hàng hoá Việt Nam bước ra sân chơi lớn trên toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đương đầu với nhiều thách thức. Trong một thị trường liên thông với toàn thế giới, các chính sách được đặt ra cần phải bắt kịp với diễn biến trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.

Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phê duyệt, Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi trong quý 3/2022. Các văn bản quy phạm sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để hoạt động giao dịch hàng hóa thực sự được cởi trói và phát triển đúng với tiềm năng của thị trường.

Về phía MXV, với sứ mệnh và mục tiêu trở thành Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022-2025.

12 năm đưa hàng hóa tại Việt Nam niêm yết liên thông thế giới ảnh 3

Giao dịch các sản phẩm thế mạnh như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, trên thị trường tập trung sẽ giúp nâng tầm nông sản Việt, giúp người nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”, giúp các doanh nghiệp không còn bị ép giá khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), MXV đã và đang nỗ lực nghiên cứu để sớm niêm yết giao dịch các sản phẩm năng lượng xanh. Các sản phẩm này vừa nằm trong lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, vừa khẳng định tầm vóc và vị thế của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trên bản đồ thế giới.