Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội:

11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam

NDO -

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trên cơ sở xác định điều kiện về tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và một số điều kiện khác.

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trường ngày 3/6. (Ảnh: LINH KHOA)
Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trường ngày 3/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhiều đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến về các trường hợp phạm nhân không đủ điều kiện để áp dụng thí điểm (quy định tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật).

Bổ sung nhóm tội phạm về ma túy

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định, không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp: (1) Phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; (2) Có từ 2 tiền án trở lên; (3) Tái phạm nguy hiểm; (4) Người tổ chức trong vụ án đồng phạm; (5) Người nước ngoài; (6) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (7) Người dưới 18 tuổi; (8) Người đủ 60 tuổi trở lên; (9) Người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần không đủ sức khỏe để lao động được y tế của trại giam xác nhận; (10) Đang xếp loại chấp hành án phạt tù “Trung bình” hoặc “Kém”; (11) Đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, quy định phạm nhân dưới 18 tuổi không được đưa ra hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam là chưa hợp lý. Theo Điều 71 Luật Thi hành án hình sự và Điều 6 Nghị định 49 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn quy định về tái hòa nhập cộng đồng, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được Ban Giám thị trại giam tạo điều kiện hướng dẫn lựa chọn đăng ký học nghề, được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam -0
 Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Đại biểu nhấn mạnh, lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phải là mối quan tâm hàng đầu được ghi nhận tại Điều 3 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, để bảo đảm chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên đó là hướng thiện, nhân văn và thân thiện, đại biểu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động, hướng nghiệp và đi học ngoài trại giam.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung vào danh sách trên nhóm tội phạm về ma túy như tội mua bán và sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển chất ma túy, bởi đây là những tội phạm rất nguy hiểm, nếu đưa ra ngoài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nhất trí với 11 nhóm phạm nhân mà dự thảo Nghị quyết quy định không đưa ra khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng trường hợp phạm nhân có 2 tiền án nên xem xét loại trừ đối với tiền án về những tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng có quá trình cải tạo tốt. Qua đó, tạo điều kiện cho các phạm nhân có cơ hội tham gia lao động cải tạo và sẵn sàng chuẩn bị tâm lý tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án phạt tù.

Phạm nhân dưới 18 tuổi được bố trí giáo dục, cải tạo đặc thù

Giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, nhóm phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh đều có những yếu tố quốc tế liên quan. Xét tính chất, mức độ nguy hiểm và nhạy cảm của nhóm tội phạm trên, Ban soạn thảo đề xuất không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề bên ngoài trại giam.

Về các trường hợp khác như “có từ 2 tiền án trở lên”, “tái phạm nguy hiểm”, “người tổ chức trong vụ án đồng phạm”, Bộ trưởng cho biết đây là những phạm nhân có thâm niên xấu, có tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các trại giam. Ngoài ra, Luật Thi hành án phạt tù trong trại giam cũng đã quy định những điều này.

11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam -0
 Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Bộ trưởng Tô Lâm cũng làm rõ băn khoăn của một số đại biểu chung quanh việc không đưa các đối tượng phạm nhân dưới 18 tuổi hoặc từ 60 tuổi trở lên vào diện ra khu lao động, dạy nghề ngoại trại giam.

Về đối tượng phạm nhân là người dưới 18 tuổi, theo quy định của khoản 2 Điều 10 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, phạm nhân dưới 18 tuổi phải được bố trí giam giữ riêng. Bên cạnh đó, việc tổ chức lao động dạy nghề, thực hiện chế độ chính sách cho những đối tượng này cũng phải có sự khác biệt so với các phạm nhân khác. Cụ thể, các trại giam phải tổ chức các hoạt động giáo dục, cải tạo riêng đặc thù như tổ chức dạy văn hóa, hay cho tham gia các trung tâm dạy nghề của các trại giam khác.

Đối với những người trên 60 tuổi, Bộ trưởng cho biết, Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định, những người cao tuổi là những người đủ 60 tuổi trở lên. Công tác quản lý giáo dục đối với phạm nhân là người 60 tuổi trở lên cũng phải có những biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi mới được thực hiện.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV