1. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tháng 5/2021, cùng cả nước, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%. Kết quả, thành phố có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 94 đại biểu trúng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
2. TP Thủ Đức, thành phố đầu tiên của thành phố trực thuộc Trung ương, chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, ghi dấu lần đầu thành lập "thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương" của nước ta. Hình thành TP Thủ Đức là sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức, hoạt động của TP Hồ Chí Minh với mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội.
3. TP Hồ Chí Minh trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khốc liệt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Thành phố đã huy động tất cả lực lượng tham gia chống dịch, trong đó có hơn 80.000 cán bộ y tế. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, cao điểm là tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và phát huy vai trò của các "pháo đài" phường, xã, thị trấn, tình hình dịch đã từng bước được kiểm soát, khống chế. Kể từ ngày 1/10/2021, số ca tử vong giảm từ 3 con số mỗi ngày xuống còn 2 con số; số ca mắc mới, ca nặng, thở máy cũng giảm sâu so với thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát. Thành quả này có được từ sự hy sinh, đóng góp lớn lao; sự đồng hành, quyết tâm, tin tưởng cao của người dân, doanh nghiệp đối với những quyết sách của thành phố trong thời điểm khó khăn nhất.
4. Thành phố ứng phó phát sinh chưa từng có trong phòng, chống dịch Covid-19.
Với quyết tâm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành ba Nghị quyết về chăm lo, hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu trên địa bàn thành phố có khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch; thành phố đã phát động phong trào "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19", "Lấy sức dân chăm lo cho dân" và thành lập Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh, huy động tất cả nguồn lực có thể để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi thành phố chuyển sang bình thường. Người dân, doanh nghiệp thành phố đã chung sức, đồng lòng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
5. Cả nước vì thành phố, cùng thành phố vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội, người dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư. Các lực lượng chủ lực (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của thành phố được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ; tình nguyện viên cả nước được huy động tổng lực để tham gia vào tất cả lĩnh vực, các khâu của công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Có thể nói, chiến thắng đại dịch Covid-19 là chiến thắng của nhân dân.
6. Chương trình "Dân hỏi-Thành phố trả lời", chương trình đối thoại đầu tiên của chính quyền cấp tỉnh với người dân trên nền tảng mạng xã hội.
Chương trình được Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức để chính quyền thành phố lắng nghe, đối thoại, giải đáp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân. Qua 21 số phát sóng, chương trình đã thu hút hơn 50 triệu lượt người tương tác, gần 220.000 bình luận. Hơn 1,6 triệu lượt đăng ký nhận hỗ trợ của người dân thông qua chương trình đã được gửi về các quận, huyện, TP Thủ Đức để xử lý.
7. Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch Covid-19 trang trọng, xúc động và thiêng liêng.
Lễ tưởng niệm được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức lúc 20 giờ 30 phút ngày 19/11/2021. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa, thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân tham gia phòng, chống dịch; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
8. TP Hồ Chí Minh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều điểm sáng về kinh tế.
Trong điều kiện dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 31/12/2021 được gần 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán năm và tăng 2,73% so cùng kỳ năm 2020. Có 5 trong số 9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 51,61% so với cùng kỳ. Thành phố giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021. Hiện, trên địa bàn thành phố có 10.327 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 48,97 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về số dự án FDI còn hiệu lực. Thành phố có thêm nguồn lực phát triển khi Quốc hội thông qua mức ngân sách giữ lại của thành phố năm 2022 là 21%.
9. Tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân-an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Lực lượng vũ trang thành phố tập trung cho công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn kiên trì trấn áp tội phạm, có những hoạt động hiệu quả, thiết thực góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Với sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, lực lượng vũ trang thành phố đã tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của thành phố và đất nước trong năm 2021.
10. Thành phố tận dụng thời cơ, tăng tốc chuyển đổi số, đối ngoại sáng tạo để thích ứng linh hoạt.
Trong thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, hội nghị trực tuyến, dịch vụ internet, viễn thông… tăng đột biến; hàng loạt giải pháp công nghệ được triển khai trên quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất. Đến quý IV/2021, hầu hết người dân đã thích ứng linh hoạt, bắt nhịp lại cuộc sống "bình thường mới". Thành phố đã chủ động, sáng tạo trong công tác đối ngoại; nhận được nhiều nguồn lực, tình cảm, sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn bè quốc tế và các địa phương, ban, ngành trong nước về hợp tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.