Zona, bệnh viêm da nguy hiểm

Bệnh thường gặp ở những người mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, bệnh về máu ác tính, những người bệnh phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticoide kéo dài... Đặc biệt, từ khi đại dịch AIDS bùng nổ, virus HIV gây suy giảm miễn dịch là cơ hội cho VZV gây bệnh zona. Zona là một bệnh nhiễm trùng cơ hội đứng thứ ba sau bệnh lao và herpes ở những người nhiễm HIV/AIDS và có khi là biểu hiện đầu tiên của nhiễm HIV. 

Những tổn thương do zona

Zona là bệnh da có mụn nước cấp tính. Thời gian ủ bệnh của zona từ 7 đến 12 ngày, khởi đầu có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn và đau dây thần kinh hoặc đau rát một vùng da được chi phối bởi một dây thần kinh nào đó như dây thần kinh liên sườn, đám rối thần kinh cánh tay, v.v... Trên vùng da đó xuất hiện vết rát đỏ, phù nề và trong vòng 24 giờ sau trên đó các mụn nước, bọng nước nhanh chóng mọc lên tạo thành cụm, từng chùm như chùm nho sắp xếp chạy dọc theo vùng da chịu sự chi phối của dây thần kinh bị tổn thương. Các tổn thương này chỉ xuất hiện ở một bên của cơ thể, đột ngột dừng lại ở đường giữa của cơ thể, không bao giờ xâm lấn đường giữa sang phía bên đối diện của cơ thể, đây là một đặc điểm quan trọng để nhận biết của bệnh zona.

Các bọng nước lúc đầu rất căng, chứa dịch trong, sau vài ngày dịch này trở nên đục và dập vỡ tạo thành vảy tiết mầu hơi vàng; có những mụn nước nhỏ tự khô; có thể có một số bọng nước bị xuất huyết (bên trong chứa dịch đỏ đục). Các tổn thương xuất hiện trong vòng vài ngày và tồn tại trong 2-3 tuần ở bệnh nhân là trẻ em và 2-4 tuần ở người già. Các tổn thương zona sau khi bong vảy để lại sẹo mầu trắng có viền sẫm mầu chung quanh không bao giờ mất. Tuy nhiên zona ở một số thể có biến chứng rất trầm trọng.

Zona hay gặp nhất ở vùng sườn ngực (Herpes zoster pectoralis) do tổn thương dây thần kinh liên sườn gặp khoảng 55% số trường hợp, vùng đầu - mặt khoảng 20% (Herpes zoster frontalis) gặp nhiều hơn là tổn thương dây thần kinh tam thoa, vùng dây thần kinh thắt lưng gặp 15% và vùng dây thần kinh cùng cụt gặp 5%, các vùng khác ít gặp hơn.

Zona có nhiều thể khác nhau nhưng đáng quan tâm hơn cả là các thể zona mắt (Herpes zoster Ophthalmicus) do tổn thương nhánh mắt của dây thần kinh số V làm vùng mắt sưng nề gây khó nhìn và hạn chế vận động của mi mắt, các mụn nước mọc ở vùng mắt và cả trong giác mạc. Những mụn nước này nhanh chóng bị vỡ và gây loét củng mạc hoặc giác mạc có thể để lại sẹo làm giảm thị lực hoặc thậm chí bị mù nếu không được điều trị kịp thời.

Hội chứng Ramsay-Hunt do tổn thương trung tâm điều khiển hạch gối. Tổn thương có thể đơn thuần là giảm vị giác ở 2/3 phần trước của lưỡi; đau tai và có mụn nước ở vành tai, dái tai; giảm nghe hoặc chóng mặt; tổn thương dây thần kinh số VII làm liệt mặt và giảm cảm giác tại vùng da mặt được chi phối bởi dây thần kinh số VII.

Để tránh được những tác hại nặng nề của bệnh ở vùng đầu mặt, cần phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ bệnh zona vùng tai và mắt để được khám và điều trị kịp thời.

Zona với người nhiễm HIV và cách phân biệt

Trên những người bệnh bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh zona biểu hiện lâm sàng toàn phát rất rầm rộ; toàn thân sốt cao, mệt mỏi, đau đầu; đau nhiều ở vùng tổn thương, các tổn thương bọng nước, mụn nước lan rộng, có khi lan tỏa rải rác toàn thân (có nhiều mụn nước lưu vong) và tổn thương hai bên, đối xứng nhau qua đường giữa của cơ thể. Các tổn thương bọng nước, mụn nước ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thường bị loét hoại tử và rất lâu lành, thậm chí tái đi tái lại nhiều lần. Đã có trường hợp bệnh nhân AIDS bị zona cả hai mắt.

Cùng với tổn thương mụn nước và bọng nước có viêm đau các hạch tương ứng với vùng có tổn thương ngoài da như hạch nách, hạch cổ, sau tai... Bệnh nhân có thể sốt, sốt nhẹ hoặc sốt cao - sốt zona), mệt mỏi chán ăn, đau đầu hoặc chóng mặt ở mức độ khác nhau trên từng người bệnh.

Đau trong bệnh zona rất đa dạng, có thể là cảm giác rát bỏng, đau nhức, đau từng cơn, đau như kim châm hoặc chỉ có tăng nhạy cảm vùng da bị tổn thương. Đau một vài ngày hoặc một vài tuần, có khi đau kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi đã khỏi hẳn tổn thương ngoài đa, gọi là đau thần kinh sau zona (Post Herpatic Neuralgia - PHN).

PHN hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi triệt để. Tuổi bị bệnh càng cao thì đau sau zona càng nặng và thời gian tồn tại cơn đau càng dài; có một số trường hợp cơn đau sau này tồn tại suốt đời. Để tránh và giảm được PHN zona cần được chẩn đoán và điều trị sớm kịp thời.

Chẩn đoán bệnh zona chủ yếu dựa vào lâm sàng là xuất hiện đám mụn nước trên nền da đỏ phù nề, sắp xếp dọc theo vùng da do dây thần kinh chi phối ở một bên của cơ thể.

Các chuyên gia xét nghiệm da liễu có thể tìm thấy tế bào Tzanck trong dịch của đáy bọng nước ở 80-100% trường hợp zona và tế bào đa nhân khổng lồ hoặc nuôi cấy tìm virus cho kết quả trên 60% các trường hợp.

Cần phân biệt với một số bệnh như bệnh Herpes là mụn nước nhỏ ở nông tập trung thành đám trên nền đỏ, thường gặp ở vùng bán niêm mạc như chung quanh miệng, sinh dục, bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Tổn thương trong bệnh viêm da tiếp xúc là đám mụn nước trên nền da đỏ phù nề tại vùng da có tiền sử tiếp xúc với chất gây viêm da. Không có biểu hiện đau dây thần kinh hoặc đau rát vùng da trước khi xuất hiện đám mụn nước và tổn thương ở bất kỳ vùng da nào bị tiếp xúc với chất gây viêm da (không sắp xếp theo dọc nửa người như zona).

Viêm mô tế bào (Cellulitis) tổn thương trên một nền da đỏ phù nề, tổn thương không dừng lại ở đường giữa cơ thể như zona.

Kháng sinh điều trị zona

Hiện nay, điều trị zona đã có thuốc kháng virus (antiveral) đặc hiệu như acyclovir, valacyclovir và famciclovir (famciclovir là chuyển dạng - đồng phân của penciclovir). Acyclovir và famciclovir là hai chất tương tự nhau cùng có chứa gốc guanin và đường. Chúng làm biến đổi triphosphates (trước tiên là men thymidin kinase và men cellular kinase) làm ức chế men DNA polymerase bằng cơ chế cạnh tranh với guanosine triphosphate, do vậy virus không tổng hợp được protein cho quá trình nhân lên, tạo virus mới. Do cơ chế tác dụng của thuốc, nên thuốc chỉ có tác dụng trong môi trường có virus và trong giai đoạn virus đang nhân lên (hoạt động sao chép) do đó thuốc kháng virus này không dùng để điều trị phòng ngừa bệnh hoặc sau giai đoạn nhân lên của virus.

Sự hấp thụ của acyclovir bằng đường uống rất kém (15-20%) cả khi dùng liều rất cao 800mg một lần uống 5 lần một ngày (4g/ngày) trong thời gian 7 ngày. Trẻ em trên 2 tuổi dùng liều như người lớn, trẻ dưới 2 tuổi bằng nửa liều người lớn.

Famciclovir viên 250mg và valacyelovir viên 1g hấp thụ tốt hơn acyclovlr, có thể uống 3 lần trong ngày và dùng trong 7 ngày.

Thuốc chống virus này đều có chung tác dụng làm giảm đau trong giai đoạn cấp tính của bệnh và thúc đẩy nhanh quá trình lành bệnh, chống tạo sẹo và chắc chắn giảm biến chứng đau thần kinh sau zona (Post Herpetic Neuralgia). Những bằng chứng chứng tỏ giảm đau thần kinh sau zona thì vẫn còn đang tranh luận và theo logic thì chỉ đúng ở một số trường hợp. Xét về mặt an toàn của thuốc thì rất tốt nhưng một số tác dụng phụ của thuốc như: đau đầu, buồn nôn, ỉa chảy, hội chứng thần kinh trung ương (CNS) và rối loạn chức năng gan, thận cũng có thể xảy ra trong thời gian dùng thuốc.

Do hấp thụ tốt hơn của famciclovir (250mg) và valacyclovir (1g) nên tác dụng phụ cũng ít tác dụng phụ hơn acyclovir.

Dựa cơ chế tác dụng của thuốc nên điều trị zona tốt nhất trong vòng 48 giờ từ khi xuất hiện các vết rát đỏ, trong vòng 72 giờ ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, hoặc tổn thương mới vẫn tiếp tục mọc. Hiện nay có một số thuốc còn đang trong giai đoạn nghiên cứu như: Sorivudine, Foscarnet (có tác dụng ngược lại với acyclovir - khống chế sự nhân lên của virus không phụ thuộc vào men phosphoryl hóa của virus), gancyclovir và desciclovir...

Điều trị zona, ngoài vấn đề dùng thuốc diệt vius cần phải dùng một số thuốc điều trị phối hợp như kháng histamin tổng hợp (cimetidine, clarityne, tealfast...). Giảm viêm corticosteroide kết hợp với thuốc kháng virus nhằm mục đích giảm đau thần kinh sau zona, corticosteroid chỉ có tác dụng giảm đau trong giai đoạn cấp tính của bệnh và giảm phù nề của các dát đỏ chứ không khống chế được biến chứng đau thần kinh sau zona. Mặc dù corticosteroid có tác dụng cải thiện cuộc sống của bệnh nhân trong giai đoạn bệnh cấp tính, nhưng vẫn phải cân nhắc cẩn thận khi chọn cho người bệnh và thể bệnh để tránh nhưng tai biến xảy ra do corticosteroid.

Khống chế đau trong zona có thể dùng acetaminophen (panadol, paracetamol, efferalgan có hoặc không có codein). Thuốc tại chỗ tùy từng giai đoạn khác nhau mà sử dụng thuốc đắp, thuốc bôi ở dạng dung dịch, dạng hồ, dạng kem hay mỡ có tác dụng giảm viêm, chống nhiễm khuẩn thứ phát như: dung dịch Milian, xanhmethylen, hồ nước, hồ Tetrapretnisolone, mỡ Acyclovir, mỡ kháng sinh, v.v.

Điều trị đau thần kinh sau zona hiện nay vẫn còn rất khó khăn và hiệu quả của các phương thức điều trị chưa đạt kết quả như mong muốn, điều trị PHN chỉ cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hiện nay, thuốc chống trầm cảm như Amitriptyline, Maprotiline, Desipramin, Gabapentin có hiệu quả nhất trong điều trị PHN. Với liều thấp của Amitriptyline (Elavil 10-25mg buổi tối) ngay sau khi chẩn đoán zona trong nhóm bệnh nhân tuổi trên 60 có tác dụng tốt. Gabapentin (Neurontine 300mg x 3 viên một ngày) có cải thiện tốt tình trạng PHN.

Thuốc giảm đau và thuốc ngủ khác không có tác dụng trong PHN. Thuốc chữa động kinh như: Carbamazepine (Tegretol), Chloprothixene, Fluphenazine hoặc Haloperidol cũng không có tác dụng trong PHN. Tại chỗ có thể dùng capsaicin cream 0,25% bôi 5 lần một ngày trong thời gian 6-8 tuần, Lidocain (Lignocain) mỡ 5% (oitment), băng, Lidocaine-prilocaine cream (EMLA) 5,30g, hoặc phong bế thần kinh tại chỗ.

Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh zona, do đó phòng bệnh zona cũng là phòng bệnh chung trong mùa hè: ăn uống bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Không ăn những thức ăn không bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm, không làm việc quá sức. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống hằng ngày tránh các vùng ứ đọng và ô nhiễm.

Khi có bất cứ dấu hiệu gì ngoài da gây nghi ngờ bị bệnh cần đi khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa da liễu của các quận huyện và các bệnh viện có phòng khám chuyên khoa da liễu.