Yemen: Xảy ra nổ lớn ở gần Phủ Tổng thống, sau vụ đánh bom sân bay

NDO -

Ngày 30-12, các nhân chứng và truyền thông Yemen cho biết một tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở khu vực chung quanh Phủ Tổng thống tại thành phố Aden, nơi mà các thành viên nội các mới thành lập của nước này được sơ tán đến sau vụ nổ tại sân bay cùng thành phố. 

Binh sĩ canh gác tại cổng chính của Sân bay quốc tế Aden, ngày 30-12. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Binh sĩ canh gác tại cổng chính của Sân bay quốc tế Aden, ngày 30-12. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây nổ và cũng chưa có thông tin về thương vong. 

Liên quan đến vụ nổ tại sân bay Aden xảy ra ngay sau khi máy bay chở các thành viên trong chính phủ chia sẻ quyền lực mới thành lập của Yemen trở về từ Saudi Arabia hạ cánh, số người thiệt mạng đã tăng lên 26 người.

Mặc dù tất cả các bộ trưởng trong nội các mới của nước này đều được sơ tán an toàn đến Phủ Tổng thống tại thành phố Aden, nhưng hơn 50 người khác đã bị thương. Các nguồn tin y tế và chính quyền địa phương cho rằng con số thương vong có thể còn tăng lên. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết đang chuẩn bị kế hoạch ứng phó y tế đối với vụ việc có thương vong lớn. 

Trước đó, truyền thông Yemen và các nhân chứng cho biết nhiều tiếng súng và nổ lớn đã được nghe thấy tại sân bay Aden. Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, một quan chức an ninh địa phương giấu tên cho biết 3 tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển sân bay quốc tế Aden ở miền nam nước này.

Hiện trường các vụ nổ được cho là ở các sảnh lớn của sân bay khi nhiều quan chức nước này đang tập trung tại đây để đón các thành viên nội các mới nói trên. Hiện cũng chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ này. Tuy nhiên, một số quan chức Chính phủ Yemen đã cáo buộc các tay súng Houthi do Iran hậu thuẫn đứng sau vụ tấn công này. 

Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và lực lượng ly khai ở miền nam đã thành lập nội các mới như một phần nội dung trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực được Saudi Arabia bảo trợ.

Yemen đã sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi các tay súng Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ cuối tháng 9-2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực.

Theo Liên hợp quốc, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.