Câu chuyện kỳ lạ
Pi, 16 tuổi, nhân vật chính của truyện, là con một ông quản sở thú ở Pondicherry (Ấn Độ), đã trải qua thời ấu thơ đẹp đẽ trong vườn thú nhà cậu. Thời buổi khó khăn, ông quản buộc phải bán tống bán tháo cả vườn thú, còn lại là mang theo một lũ lên tàu di cư đi Canada.
Thế rồi, sau đêm đắm tàu bi thảm, tỉnh dậy, Pi thấy mình mình trần thân trụi trên cái xuồng dập dềnh giữa Thái Bình Dương hoang dại. Cùng với con ngựa vằn đau khổ gãy một chân, một con linh cẩu lông đốm độc ác liên tục kêu yip yip yip yip yip, và Nước Cam, một con đười ươi cái, gốc gác Borneo bị say sóng, rồi cuối cùng là Richard Parker, một con hổ Bengal nặng 450 pound... Và Pi chẳng mấy chốc đã chết khiếp vì sợ hãi khi chứng kiến bầy thú cứ tuần tự con lớn nuốt con bé theo luật rừng... Pi đã lênh đênh 227 ngày trong đau khổ, tuyệt vọng, đói khát, ảo giác điên loạn, chết chóc...
Một câu chuyện sống sót giữa biển khơi với cốt truyện lạ thường, song lại được viết kỹ và hiện thực khôn tả. Thế nhưng, "Cuộc đời của Pi" lại chẳng phải là một câu chuyện bi thảm. Trái lại, nó là một áng văn thông minh và hài hước vô tận.
"Một cuốn sách tuyệt diệu", Trịnh Lữ - người vừa dịch một cách nhuần nhuyễn "Cuộc đời của Pi" sang tiếng Việt - nói. "Một cuốn sách ghê gớm, tôi vừa sang Mỹ và vẫn thấy "Cuộc đời của Pi" vẫn bày bán la liệt ở khắp các hiệu sách". Có vô vàn chi tiết trong truyện hay đến mức anh phải gọi đó là "những thuyền hạt ngọc" (chữ của Lê Quý Đôn).
Một thí dụ nhỏ trong lĩnh vực tiêu hoá: để thoát khỏi móng vuốt của nó, trong cuộc đấu trí với con hổ Richard Parker, Pi đã phải đái lên xuồng để xác định lãnh địa của mình! Rồi để chỉ rõ cho hổ thấy rằng nó chỉ là Số Hai, còn cậu mới là Số Một, Pi đã công khai lấy phân của Richard Parker để chứng tỏ mình là bậc huynh trưởng. Và Pi đã thắng trong tư cách người dạy thú bất đắc dĩ. Con hổ khi đi ngoài đã "loay hoay giấu phân của mình đi", không dám "trưng phân của mình ra công khai, dấu hiệu của ý thức trên trướng, áp đảo trong xã hội loài vật" nữa!
Yann Martel tìm thấy sự hài hước trong cả những chi tiết tưởng như bi thảm, tàn khốc. Đói quá, Pi đã có lần định ăn cả phân của Richard Parker. Song không nổi vì "cục phân rơi vào cái cốc đánh cách một cái... và cứng như một hòn đá... tôi ném vào mồm... và mồm miệng tôi đã ra một quyết định tức thì, rất rõ ràng: không có gì ăn được ở trái bóng này. Nó chỉ là một thứ đáng vất đi, không có một dưỡng chất gì hết" (tr.379).
Một áng văn
|
Song sở dĩ Yann Martel chinh phục được độc giả toàn cầu chính bởi "Cuộc đời của Pi" là một áng văn tuyệt diệu. Một kiệt tác. Đằng sau những dòng chữ là cả một thế giới lớn lao, mênh mang, đẹp đẽ. Qua những dòng văn thông minh, vương giả, ta thấy cả một vườn địa đàng, bộc lộ ra những mối quan hệ căn cốt của con người và vạn vật. Có ai không thấy sung sướng khi được ghé mắt vào cái thế giới của Pi mười sáu tuổi, khi vẫn ở Pondicherry: "Tiễn tôi đi học không phải chỉ có ánh mắt dịu hiền của mẹ, mà còn có cả những cái nhìn lưu luyến của bọn rái cá mắt sáng như sao, con bò rừng châu Mỹ khổng lồ, và đám khỉ độc đang vươn vai duỗi chân ngáp ngắn ngáp dài. Tôi phải trông chừng khi chạy qua dưới đám cây của bầy chim công vì chúng rất thích phóng uế xuống người tôi" (tr.46).
Yann Martel đã chỉ cho ta thấy rằng, đôi khi, chỉ một kẻ đắm tàu mới nhận thấy được vẻ đẹp đích thực của biển cả và muôn loài thuỷ tộc: "Tôi để hàng giờ không làm gì hết, chỉ nằm nghiêng,... như thể mở một cái rèm cửa sổ, và nhìn qua đó xuống dưới nước. Những gì tôi nhìn thấy là cả một thị trấn lộn ngược, nhỏ bé, yên tĩnh và an bình, với những cư dân đi lại trong đó, lịch sự như thiên thần" (tr.353).
Văn của Yann Martel là loại văn vương đạo, tự mình đầy đủ cho mình. Nỗi tuyệt vọng khi mất gia đình (tr.238) là một đoản văn xúc động. Rồi đến chương 75, giữa trường đoạn đói khát và tuyệt vọng, cái chương chỉ có 1 câu đó có thể làm độc giả bàng hoàng: "Cái ngày tôi ước chừng là sinh nhật mẹ, tôi hát Happy Birthday rất to để mừng mẹ." (tr 731).
Viết văn thông minh
Văn của Yann Martel điển hình cho loại văn viết thông minh. Ông là bậc thầy trong sử dụng ẩn dụ. Martel ví cái xuồng (của ông) chính là cái xuồng của Noah giữa hồng hoang: "Tôi tưởng tượng Ravi sẽ là người đầu tiên chào tôi với một câu trêu ngươi: "Cái gì thế này", anh ấy sẽ nói: "Mày tìm được một cái xuồng vĩ đại và chất đầy thú vật lên đó ư? Mày tưởng mày là thánh Noah hay cái gì chứ?". (tr.226); Martel trỏ cho ta thấy rằng, loại văn vương đạo, khi đầy đủ mười hai thành công lực, có thể chạm đến cả Sáng Thế ký: "Trong những giờ phút đó tôi đã cố tự nâng đỡ lấy mình. Tôi sẽ chạm tay vào vành khăn Hồi giáo tự quấn lấy bằng những mảnh áo quần còn sót lại và nói to, "Này là chiếc mũ của Thượng đế!". Tôi sẽ vỗ tay vào chiếc quần của mình và nói to, "Này là áo quần của Thượng đế!". Tôi sẽ chỉ sang Richard Parker và nói to, "Này là con mèo của Thượng đế!". Tôi sẽ chỉ vào chiếc xuồng và nói to, "Này là chiếc bè cứu nạn của Thượng đế!". Tôi sẽ xoè hai bàn tay thật rộng ra biển và nói to, "Này là những dải đất mênh mông của Thượng đế!". Tôi sẽ chỉ lên trời và nói to, "Này là lỗ nhĩ của Thượng đế!". Và như thế, tôi sẽ nhắc mình nhớ đến công việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của tôi ở trong đó". (tr.370).
Tới chương 92, với những trang viết chi tiết về hòn đảo huyền hoặc đầy những con chồn bể (meerkat) và ăn thịt người về ban đêm... với thủ pháp khách thể hoá tối đa, "Cuộc đời của Pi" bỗng có cái khí vị của một truyện phiêu lưu theo kiểu "Guliver du ký". Có lẽ chính nhờ những trang viết này mà Yann Martel đã được ví là một nhà hắc ảo thuật.