Các năm qua, bên cạnh số đông người tham gia, sử dụng MXH một cách có ý thức, trách nhiệm, góp phần tích cực xây dựng MXH trong lành, vẫn xuất hiện tình trạng không ít người, trong đó có hiện tượng một số cán bộ, đảng viên, đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, khi tham gia MXH lại có phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược đạo lý và truyền thống dân tộc, thậm chí có ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là hiện tượng cần được lên án, phê phán, thậm chí xử lý nghiêm khắc.
Về cơ bản, phải khẳng định, thời gian qua đội ngũ cán bộ, đảng viên đã luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, vai trò trách nhiệm của mình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể cả các cán bộ, đảng viên đã nghỉ công tác nhưng với tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, với trí tuệ, kinh nghiệm của mình, đại đa số cán bộ, đảng viên nghỉ hưu vẫn tiếp tục có những đóng góp không nhỏ vào công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Trong phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở bên cạnh đội ngũ những người trẻ, những quần chúng nhân dân, những cán bộ, đảng viên đang công tác đã xuất hiện rất nhiều điển hình tiên tiến là cán bộ, đảng viên hưu trí. Thật cảm động khi chứng kiến nhiều cán bộ, đảng viên nghỉ hưu đã tiết kiệm từng đồng tiền, bát gạo để tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa... Dù sức khỏe đã hạn chế, nhưng không ít cán bộ, đảng viên nghỉ hưu vẫn hăng hái đi đầu trong các phong trào như: toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm đường giao thông nông thôn; trồng cây, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường...
Không chỉ là công dân gương mẫu trong mọi hoạt động ở cơ sở, nhiều cán bộ, đảng viên nghỉ hưu còn tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và phát luật Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và phát huy tốt bản lĩnh chính trị, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở. Những tiếng nói, việc làm của họ tiếp tục mang lại niềm tin cho xã hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Nhưng bên cạnh đó, phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là còn một bộ phận cán bộ, đảng viên (dù chỉ là một bộ phận cá biệt) có nhu cầu tham gia hoạt động xã hội nhưng lại thiếu ý thức về vai trò gương mẫu của mình, không xác định được bản thân cần tiếp tục đóng góp với cộng đồng như thế nào. Đáng tiếc là trong số đó có người được đào tạo, học hành bài bản; có người từng vào sinh, ra tử vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; có người từng đảm nhiệm cương vị quan trọng, là cán bộ chủ chốt, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội.
Thay vì tiếp tục rèn luyện, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong cộng đồng, số người này đã có một số biểu hiệu suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống. Không chỉ qua lời nói, hành động lệch chuẩn trong cuộc sống, khi tham gia MXH, những cán bộ, đảng viên này đã dựa theo thông tin chưa được kiểm chứng để đưa ra phát ngôn tùy tiện, võ đoán, thiếu xây dựng, thậm chí đi ngược quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, gây phân tâm trong dư luận; ảnh hưởng không tốt đến uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đáng chú ý là hiện nay, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sôi nổi triển khai nhiều hoạt động hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì dường như trên MXH các phát ngôn vô trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, đi ngược với lợi ích chính đáng của nhân dân lại có xu hướng xuất hiện nhiều hơn? Không dừng lại ở phát ngôn tùy tiện, hay phản ứng tức thì, vào trang MXH của một số cán bộ nói trên sẽ thấy tần xuất của thông tin tiêu cực ngày một gia tăng. Có người lớn tiếng bênh vực, bảo vệ, tung hô kẻ xấu, cổ súy cho việc làm sai trái, kích động dư luận... Từ ảnh hưởng, uy tín trước đó của số cán bộ, đảng viên này, có người đã vội vã tin vào phát ngôn của họ, đồng thời còn chia sẻ, phát tán, và làm cho phát ngôn lệch lạc này ngày càng lan rộng. Nguy hiểm hơn, những phát ngôn như vậy đã bị các thế lực thù địch triệt để khai thác nhằm phục vụ cho hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Thực tế đã chứng minh, tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng, luôn là nguyên tắc, quan điểm, chủ trương rõ ràng, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, tự do ngôn luận, mở rộng dân chủ phải đi liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Trong tiến trình lịch sử của cách mạng, trên mọi lĩnh vực, trong mọi công việc, Đảng ta luôn chủ trương mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sức sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Phát huy dân chủ, phát huy sức sáng tạo là bài học quý báu mà Đảng ta đã rút ra từ quá trình lãnh đạo cách mạng. Bài học đó đã góp phần quan trọng làm cho đường lối lãnh đạo của Đảng, biện pháp điều hành của Chính phủ thật sự là nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân, sát với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tinh thần ấy càng được khẳng định trong phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và của các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện...”. Trong cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 7-2-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, phải tiếp tục phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp, chắt lọc để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện. Đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: “Cần lắng nghe, trân trọng, phát huy cao độ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực”. Như vậy có thể thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tự do ngôn luận, phát huy dân chủ là rất rõ ràng.
Nhằm tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện quyền tự do, dân chủ trước những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương tới cơ sở tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu. Các cơ quan báo chí, truyền thông mở nhiều chuyên mục, chuyên trang để đăng tải, phát hình các ý kiến góp ý với Đảng, Nhà nước. Nếu thật sự tâm huyết, có ý thức về trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân thì cán bộ, đảng viên dù đương chức hay nghỉ hưu và mọi người dân đều không thiếu diễn đàn chính thống để bày tỏ chính kiến, tham gia góp ý xây dựng. Vì thế hiện tượng một số cán bộ, đảng viên lên MXH thể hiện bản thân như “anh hùng bàn phím”, từ cái nhìn chủ quan, phiến diện, bằng lập luận, phân tích thiếu thiện chí để lôi kéo, “nắm dòng”, kích động dư luận theo chiều hướng làm phức tạp tình hình, gây bất lợi cho sự nghiệp đất nước là không thể chấp nhận.
Có thể thấy, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả các cán bộ, đảng viên hưu trí là người đã trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, có bản lĩnh, công lao, cống hiến và kinh nghiệm công tác, các cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn cần vào cuộc sát sao, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp để thường xuyên nâng cao hiểu biết, bản lĩnh chính trị, góp phần thực hiện tốt vai trò nêu gương đối với quần chúng, nhân dân, đồng thời làm tốt công tác quản lý hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện để các cán bộ hưu trí tham gia hoạt động của các tổ chức, đoàn thể để vừa chia sẻ, động viên, vừa cung cấp thông tin, truyền thụ, bồi dưỡng kinh nghiệm cho lớp trẻ. Mọi địa phương cần có cơ chế tạo điều kiện để các cán bộ hưu trí, nhất là những người có uy tín, có khả năng dẫn dắt dư luận xã hội tiếp tục phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cả về pháp lý và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên nào cố tình sử dụng MXH để có phát ngôn sai trái, tuyên truyền thông tin sai sự thật, kích động dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cũng như bảo vệ quyền con người trong cuộc sống thực, việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cán bộ nghỉ hưu hay đương chức cũng như mọi người dân đều có quyền tham gia MXH, nhưng phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về các hành vi sẽ bị xử phạt khi tham gia MXH, nhưng trên thực tế việc vi phạm vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy nếu mỗi cá nhân không tự ý thức, không tự thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thiếu nghiêm túc thực thi pháp luật thì nạn tin giả, tin sai sẽ khó có thể ngăn chặn. Hơn ai hết mọi cán bộ, đảng viên cần ra sức nêu gương trong đời sống xã hội cũng như trên MXH.
Việc phát ngôn, hành xử tùy tiện, lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên thời gian qua đòi hỏi cần phải chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng, quyết định vẫn chính là từ ý thức, trách nhiệm của mỗi người. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đã có thời gian công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, điều kiện học hỏi, từng giữ cương vị chủ chốt, có uy tín trong tập thể, trong cộng đồng cần ý thức hơn nữa về quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của mình để thấy giá trị của bản thân, nhận thức được vai trò, vị trí, uy tín trước xã hội; từ đó rèn luyện mọi mặt để tránh hẫng hụt về tinh thần, hoặc nảy sinh bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản.
Khi tham gia MXH, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin. Đó cũng là cách thiết thực để phát huy vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, nhân dân.