Y tế TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn phục vụ người bệnh

Sau những nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt hàng loạt thách thức như thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và thiếu nhân lực phục vụ công tác chữa trị cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều trang thiết bị y tế "xếp hàng" chờ sửa chữa ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhiều trang thiết bị y tế "xếp hàng" chờ sửa chữa ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, cùng những biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bộ, ngành, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sức khỏe của người bệnh là trên hết, ngành y tế thành phố đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục vụ người bệnh.

Vợ chồng anh Phan Văn Bình (tỉnh Đắk Lắk) đầy lo lắng khi đang điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy nửa năm qua. Mỗi lần tái khám, chồng chị phải chụp CT để bác sĩ đánh giá khối u. Họ được xe chở từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến một cơ sở y tế khác để chụp chiếu, kết quả có trong ngày.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 đến nay, anh chị phải chờ đến ba ngày mới nhận được kết quả chụp CT. Vì không được thông báo trước, gia đình phải thuê trọ ở lại thành phố. “Khi đọc báo vợ chồng chúng tôi mới biết lý do máy móc, hóa chất thiếu thốn là vì đấu thầu. Chúng tôi vừa hoang mang, vừa lo lắng, nếu không đủ máy móc, bệnh nhân phải gánh hết”, chị vợ nói.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, gần 400 bệnh nhân ung thư sẽ xạ trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện có bốn máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có hai máy đang hoạt động. Số máy còn lại đã “đóng băng” gần một năm qua. “Hai máy dừng hoạt động từ quý II/2022 vì đã hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các vấn đề đấu thầu. Nếu xạ trị không đúng kế hoạch điều trị, việc kiểm soát bệnh chắc chắn sẽ không tốt”, bác sĩ Đô nói.

Tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt cũng diễn ra tại Khoa Siêu âm của Bệnh viện Chợ Rẫy do máy bị hư hỏng. Khoa Siêu âm có 35 máy siêu âm nhưng hiện có đến 10 máy bị hỏng, không thể sửa chữa được. Một nhân viên của khoa cho biết, các máy này có tuổi đời hơn 15 năm, đã sửa chữa nhiều lần và hiện tại đã hỏng hoàn toàn. Mỗi ngày có khoảng từ 2.000 đến 3.000 bệnh nhân phải siêu âm nhưng do thiếu máy móc cho nên người bệnh phải chờ đợi rất lâu. Các y sĩ, bác sĩ phải làm việc từ 6 giờ sáng, không nghỉ trưa và kết thúc muộn nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bệnh viện "bế tắc" khi không đủ màng trao đổi ô-xy trong hệ thống máy ECMO (tim, phổi nhân tạo), tác động trực tiếp đến quá trình điều trị bệnh nhi nặng. Các cơ quan trung ương cần hỗ trợ ngành y tế tháo gỡ những vướng mắc này.

Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 1/2023, đơn vị vẫn còn hơn 470 bệnh nhân chờ phẫu thuật hoặc chờ xạ trị do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, thuốc tồn kho ít, dẫn đến thiếu thuốc. “Các bệnh viện trong thời điểm đại dịch gặp muôn vàn khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế, thuốc men và đã có nhiều đề xuất, kiến nghị gửi bộ, ngành trung ương và thành phố…

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn kéo dài cho đến hiện nay, chưa kể có những quy định mới gây khó cho bệnh viện. Đó là Thông tư 68/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2022 hiện đang áp dụng”, Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Trưng Vương, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện chia sẻ, Bệnh viện Trưng Vương là bệnh viện duy nhất thuộc tầng 3 tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại bệnh viện. Do đó, hầu như các trang thiết bị, máy móc đều gần như hoạt động hết công suất và phải tiến hành phun khử khuẩn liên tục.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phần lớn máy móc, thiết bị bị hư hỏng nặng, không sử dụng được. “Sau khi trải qua đợt dịch Covid-19, bệnh viện giờ như một căn nhà rỗng, máy móc hư hỏng nhưng không có tiền mua mới, dữ liệu mất hết, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh”, bác sĩ Tuấn nêu thực tế.

Ngoài việc bị hư hao thiết bị, vật tư y tế, đơn vị này còn phải đối mặt với việc hàng loạt nhân viên nghỉ việc. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương cho biết, chỉ riêng trong 10 tháng của năm 2022, đơn vị có 138 nhân viên nghỉ việc, trong đó có 53 điều dưỡng viên. Đặc biệt, những điều dưỡng gửi đơn xin nghỉ việc, bỏ việc đều trình bày là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Gánh nặng công việc dồn cho những điều dưỡng còn lại, do vậy áp lực nhân viên y tế xin nghỉ việc đang là nỗi lo của bệnh viện.

Trước những khó khăn, thách thức tưởng chừng bế tắc tại các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, từ lãnh đạo bệnh viện đến cán bộ và nhân viên y tế vẫn đang nỗ lực hơn để từng bước tìm cách gỡ khó nhằm phục vụ người bệnh được tốt hơn.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi nhận thấy nguy cơ thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị rà soát mọi nguyên nhân khách quan, chủ quan, công tác đấu thầu để kịp thời xử lý những vướng mắc. Nhờ đó, bệnh viện vơi dần nỗi lo thiếu thuốc, vật tư khám, chữa bệnh. “Chúng tôi không vì khó khăn trước mắt đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin. Lãnh đạo bệnh viện luôn duy trì, động viên, khích lệ, tạo niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh của mỗi người thầy thuốc”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức khẳng định.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2001/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (sửa đổi Nghị quyết 144). Với Nghị định 07, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông quan nhập trang thiết bị, giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải bảo đảm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm để cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Nghị quyết 30 chưa tháo gỡ được khó khăn trong việc sửa chữa thiết bị y tế bị hư hỏng. Bởi muốn sửa chữa phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm, phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền thông qua Hội đồng nhân dân thành phố theo trình tự Luật Đầu tư công và Nghị định 40. Nay nút thắt về không đủ ba báo giá đã được mở, nhưng trình tự làm thủ tục đấu thầu mua sắm buộc phải có chủ trương, mà chủ trương buộc phải tuân thủ trình tự Luật Đầu tư công mà trong Nghị định 40 chưa đề cập.