Chăm sóc người bệnh từ những điều nhỏ nhất
Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên trải qua nhiều cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 nhất tỉnh Vĩnh Phúc, kể từ khi dịch bùng phát tại xã Sơn Lôi ngày 13/2/2020. Nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, song đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm có nỗi lo mới, làm sao để có đông người đến khám, chữa bệnh để bù đắp kinh phí chi thường xuyên. Đơn vị này nằm kẹt giữa rất nhiều cơ sở y tế của các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các bệnh viện của Quân đội, do đó việc thu hút người đến khám, chữa bệnh không hề đơn giản.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, dù trong hoàn cảnh nào, mục tiêu tối thượng vẫn là chăm sóc người bệnh tốt nhất. Khuôn viên bệnh viện dù cũ kỹ, song phòng bệnh nhân đều có điều hòa, ti-vi; hành lang đều lắp quạt để phục vụ người đến khám bệnh.
Để phục vụ người bệnh tốt nhất, Trung tâm niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các vị trí dễ nhìn và đông người qua lại, phân công lãnh đạo trực tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng 24/24 giờ. Các khoa, phòng triển khai hỗ trợ người bệnh theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Các khoa, phòng đều đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Quy trình khám, chữa bệnh được cải tiến hợp lý, do đó thời gian chờ đợi được rút ngắn. Kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ của Trung tâm năm 2022 cho thấy: Có 90,15% người bệnh hài lòng so với mong đợi; tỷ lệ người bệnh sẽ quay lại đạt 100%. Chỉ số hài lòng của nhân viên y tế đạt 97,6%.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc phát suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. |
Khác với khu vực đồng bằng, Trung tâm Y tế huyện Tam Dương thu hút khá đông người dân vùng đồi núi đến khám chữa bệnh. Bác sĩ Hà Minh Giám, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù quy mô chỉ có 180 giường bệnh, nhưng trên thực tế Trung tâm phải kê 268 giường để đáp ứng nhu cầu người dân. Ban Giám đốc Trung tâm rất coi trọng việc thực hành 12 điều y đức, thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm việc giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế. Khoa nào cũng đặt hòm thư góp ý, thời gian gần đây không còn thư chê trách, nhiều thư khen hơn.
Không những chăm lo người bệnh, Trung tâm còn quan tâm chăm sóc người nhà bệnh nhân. Hành lang rộng rãi của khoa Sản được thiết kế thành nơi chờ đợi thoáng mát, có quạt và ghế dài để người nhà sản phụ nghỉ ngơi trong khi chờ đợi.
Đưa người nhà đi sinh con tại đây, bà Hà Thị Thất, quê xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch bộc bạch: "10 năm trước, con dâu thứ hai của tôi sinh tại đây và 10 năm sau con dâu cả cũng cho về đây sinh cho yên tâm. Trung tâm gần nhà, bác sĩ rất chu đáo. Chúng tôi thuê phòng dịch vụ chỉ mất có 100 nghìn đồng/đêm, có đủ điều hòa, vệ sinh khép kín".
Việc khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân được Trung tâm thực hiện định kỳ 3 tháng/ lần, Sở Y tế thực hiện 6 tháng/lần theo đúng quy định. Trung tâm lấy ý kiến của những người đã kết thúc đợt khám, chữa bệnh để bảo đảm khách quan trong đánh giá. Mỗi đợt khảo sát, Trung tâm lấy ý kiến của 100 bệnh nhân nội trú và 100 bệnh nhân ngoại trú. Sở Y tế khảo sát 30 bệnh nhân nội trú và 30 bệnh nhân ngoại trú. Kết quả khảo sát cho thấy người dân ngày càng tin tưởng chuyên môn và dịch vụ của Trung tâm.
Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất
Hơn 6 năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc phải “ở nhờ” Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh vì địa điểm cũ được san phẳng để xây bệnh viện mới. Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Tịnh chia sẻ:"Hơn 2 năm qua là giai đoạn khó khăn nhất của bệnh viện. Mỗi lần mưa to, bị ngập lụt, chúng tôi rất sợ xảy ra cháy nổ vì đường điện đều hạ ngầm. Năm nay, bệnh viện bị ngập sâu sau những cơn mưa lớn, nhân viên y tế phải sơ tán mấy trăm bệnh nhân đi chỗ khác, di chuyển máy móc thiết bị trong đêm".
Thời điểm cao điểm nhất, Bệnh viện đa khoa tỉnh có tới 1.038 bệnh nhân nội trú trong khi quy mô chỉ có 150 giường bệnh, thực kê 883 giường. Nguồn nhân lực vừa phải đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Dã chiến số 1, vừa phải tham gia công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, cũng như hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.
Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cán bộ y tế nhiễm Covid-19, gây thiếu hụt nhân lực tạm thời. Vất vả như thế nhưng không y, bác sĩ nào rời vị trí chiến đấu. Hầu hết y, bác sĩ của bệnh viện tự nguyện đăng ký vào Bệnh viện Dã chiến, xung phong trực Tết Nguyên đán. Có người làm việc ở Bệnh viện Dã chiến mấy tháng không về nhà.
Để đáp ứng việc chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện liên tục đổi mới công tác quản trị, thành lập Phòng Công tác xã hội vào tháng 7/2021, áp dụng lấy số tự động, đăng ký khám bệnh từ xa, trả kết quả tự động qua app, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh bằng mã QR, xây thêm nhà vệ sinh cho bệnh nhân, lắp quạt thông gió...
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ của bệnh viện 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy: Có 92,63% người bệnh nội trú hài lòng; 95,95% người bệnh ngoại trú hài lòng và 78,65 nhân viên y tế hài lòng. Hơn 99% người bệnh mong muốn quay trở lại bệnh viện. Các kết quả khảo sát của Sở Y tế, kiểm tra chéo giữa các bệnh viện đều cho kết quả hơn 90% hài lòng với dịch vụ của Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Tịnh suy ngẫm: "Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất giúp y, bác sĩ vượt qua những thời khắc vô cùng khó khăn. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải giữ được đoàn kết và kỷ luật lao động trong mọi hoàn cảnh, phải hết sức tôn trọng chuyên môn, công minh, công bằng trong đánh giá, điều động, đề bạt cán bộ. Điều ông Tịnh băn khoăn nhất là làm sao tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Lúc thấp nhất Bệnh viện chỉ có 160 bệnh nhân, thu không đủ chi, trong khi phải tự chủ chi thường xuyên".
Thầy thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên chăm sóc bệnh nhân nặng. |
Theo Sở Y tế Vĩnh Phúc, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng rất ít bác sĩ xin nghỉ làm ở bệnh viện công, trong khi nhiều bác sĩ muốn xin việc hoặc xin chuyển từ địa phương khác về các cơ sở y tế của Vĩnh Phúc. Tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Y tế thường xuyên tôn vinh, động viên, khen thưởng xứng đáng cho những nhân viên y tế hết lòng vì người bệnh, những người có chuyên môn cao.
Để phục vụ nhân dân tốt hơn, ngành Y tế Vĩnh Phúc yêu cầu mỗi nhân viên y tế phải có hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, thường xuyên tu dưỡng đạo đức; lấy sự hài lòng của người bệnh để đo tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn của các cơ sở y tế.