Học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh

Ý Đảng, lòng dân ở Thoại Sơn

Năm 2018, huyện Thoại Sơn (An Giang) là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới, sớm hơn hai năm so với mục tiêu Đảng bộ tỉnh An Giang đề ra. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân. Ở đó vai trò đảng viên có ý nghĩa dẫn dắt phong trào làm trước, đi đầu.

Cầu Thoại Ngọc Hầu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cầu Thoại Ngọc Hầu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Niềm vui nông thôn mới

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Minh Tâm cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, nhiệt huyết; phải sâu sát, năng nổ, tận tụy, phải động viên khích lệ cho cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc. Mỗi cán bộ, đảng viên từ xã đến các ấp, từ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải là những tuyên truyền viên trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 đã mang lại nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện. Cả 14 xã đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2019, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn là hơn 2.119 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2019, huyện Thoại Sơn không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình.

Người dân hai ấp Trung Bình 1 và Trung Bình 2, xã Vĩnh Trạch phấn khởi khi cây cầu Bà Thử bắc qua rạch Cái Vồn khởi công xây dựng. Bởi từ nay việc chạy xe gắn máy qua lại hai ấp thuận lợi hơn, ô-tô, xe cắt lúa liên hợp ra vào vận chuyển nông sản cũng dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Chuyền, 74 tuổi, tự hào, những cây cầu trên vùng nông thôn mới đã góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đó cũng là niềm vui chung của người dân xã nông thôn mới Thoại Giang không còn cảnh qua lại, đi học bằng đò.

Những con đường làng về các xã được trải nhựa, những cây cầu nối đôi bờ thôn, ấp cho nên việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng. Từ đó, các mô hình thiết thực đã ra đời như: “ấp tự quản bảo vệ môi trường”, “hội mái ấm tình thương”, “mỗi tháng một hoàn cảnh nghèo được giúp đỡ”, “bếp ăn tình thương”; “phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội”; “chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”...

Người dân Thoại Sơn còn đóng góp lớn vào xây dựng nông thôn mới, giữ vững trật tự an toàn xã hội nông thôn. Nguồn lực nhân dân đóng góp cho xây dựng nông thôn mới là hơn 250 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Phan Minh Hiếu ở xã Vĩnh Phú; nông dân Nguyễn Nhật Trường, xã Vĩnh Trạch sản xuất rau thủy canh trong nhà màng; nông dân Nguyễn Quốc Hùng, ngụ thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn là “chuyên gia” lai tạo lúa giống và bắp đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong bảy năm liền…

Đề cao vai trò nêu gương

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình nông thôn mới, phần lớn các xã đều khó khăn, chỉ có sáu xã đạt từ 5 đến 7 trong tổng số 19 tiêu chí, tám xã còn lại đạt dưới năm tiêu chí. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thị Minh Kiều, dù nhiều khó khăn nhưng Thoại Sơn có sự quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo phù hợp thực tế của địa phương.

Đáng chú ý, huyện đã đưa nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, lấy nội dung xây dựng nông thôn mới làm trung tâm; lồng ghép nhiều chương trình liên quan nông nghiệp, nông dân và nông thôn với nhau.

Huyện ủy Thoại Sơn ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các cấp ủy và hệ thống chính trị. Huyện ủy phân công rõ ràng trách nhiệm, địa bàn đối với từng đồng chí trong việc cùng cấp ủy cơ sở xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương như hiến đất, làm đường, đóng góp kinh phí, tham gia hoạt động an sinh xã hội...

Cán bộ, đảng viên và mọi người dân đều hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ để cùng đóng góp xây dựng và giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả vốn đầu tư. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng những điển hình hay, cách làm sáng tạo. Tập trung ưu tiên cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để khơi dậy tinh thần thi đua trong xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, UBND huyện đã đăng ký sẽ đưa hai xã Vĩnh Trạch và Thoại Giang đạt chuẩn “xã nông thôn mới nâng cao” giai đoạn 2019-2020, tính đến tháng 6-2019, xã Vĩnh Trạch đạt 17 trong tổng số 19 tiêu chí, 33 trong tổng số 35 chỉ tiêu, xã Thoại Giang đạt 17 trong tổng số 19 tiêu chí, 32 trong tổng số 35 chỉ tiêu.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Lê Thanh Vân cho biết, để Vĩnh Trạch được như hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã phân công từng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách cụ thể từng mảng công việc, từng địa bàn ấp. Cấp ủy đảng luôn thể hiện sự quyết tâm cao, phát huy vai trò nòng cốt là hạt nhân lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; việc quản lý điều hành của chính quyền có sự tập trung và phát huy hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; tuyên truyền để người dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung tổ chức các cuộc họp dân rộng khắp ở các ấp để tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm “tích cực, kiên trì vận động”, tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”.