Xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề và OCOP Việt Nam năm 2021

NDO -

Với chủ đề “Làng nghề Việt Nam trong kinh tế số”, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 diễn ra trong 5 ngày từ ngày 21-25/12, trên công nghệ SmartROOM nền tảng số triển lãm trực tuyến với quy mô 50 gian hàng trực tuyến.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2021.
Các đại biểu ấn nút khai mạc Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2021.

Chiều 21/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021.

Với quy mô 50 gian hàng trực tuyến của gần 20 tỉnh thành trong cả nước từ nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các Sở NN-PTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới, Sở Công thương,… các tỉnh, thành phố, hội chợ trưng bày giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP 3-4 sao như: Lụa tơ tằm, trái cây 3 miền; gạo hữu cơ, chả mực; yến sào, đông trùng hạ thảo; trà, cà phê các loại…

Đây là các sản phẩm của các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình, câu lạc bộ, hợp tác xã; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, trang trại, cơ sở làng nghề; các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.

Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2021 được xây dựng dưới hình thức trực tuyến với các tính năng cho phép kết nối trong thời gian thực giữa những người tham dự, nhà tổ chức, và các đơn vị tham gia gian hàng tại hội chợ trực tuyến.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới việc tổ chức hội chợ trực tiếp thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một hướng đi tất yếu, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề và OCOP Việt Nam năm 2021 -0
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phát biểu tại hội chợ. 

Ông Đào Văn Hồ kỳ vọng, thông qua các hoạt động của hội chợ trực tuyến sẽ là điều kiện tốt nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm của các làng nghề truyền thống; là cầu nối sản xuất và tiêu thụ góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trên thị trường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản Việt, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, gắn kết với hoạt động của Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Tổ diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản triển khai.

Hội chợ diễn ra tập trung trong 5 ngày từ ngày 21-25/12. Sau đó, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được ban tổ chức kéo dài các giao dịch trong vòng 1 tháng đến ngày 21/1/2022.

Bên lề hội chợ diễn ra “Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của 100-150 đại biểu tại các điểm cầu.

Sau khi kết thúc hội chợ, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được Ban tổ chức kéo dài các giao dịch trong vòng 1 tháng đến hết ngày 21/1/2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp tục các hoạt động của hội chợ.