Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia

Cuối tháng 10, tỉnh Đồng Tháp đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh. Đó là một không khí nhộn nhịp mà sâu lắng sau gần 70 năm, cũng tại đây diễn ra một sự kiện đặc biệt-Cuộc đưa tiễn hơn 13.500 cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng tặng hoa nhân chứng lịch sử. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng tặng hoa nhân chứng lịch sử. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đó là sự hiện diện của các cán bộ, quân nhân và đại diện gia đình những cán bộ, quân nhân là chứng nhân lịch sử, đã tham gia trực tiếp sự kiện tập kết ra Bắc. Đó còn là giọng hò Đồng Tháp cất lên bên dòng sông Tiền, là lời ngợi ca về tình mẹ, tình thủy chung sắt son. Những cái bắt tay chào hỏi, những bó hoa tươi thắm đến các cô, các chú là nhân chứng lịch sử mang đến cho thế hệ trẻ chúng tôi hiểu hơn sự vinh quang và anh dũng giữa người đi và người ở lại.

Tri ân người đi vinh quang, ở anh dũng

Cách đây 69 năm, tại Bến bắc Cao Lãnh (nay thuộc phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã diễn sự kiện lịch sử trọng đại-100 ngày tập kết và chuyển quân ra bắc. Đây là cuộc chuyển quân có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam ra miền bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền nam, đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền nam thống nhất đất nước.

Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia ảnh 2
Nhân dân đưa tiễn bộ đội xuống tàu tập kết ra bắc năm 1954 (bến sông trước Dinh Quận Cao Lãnh). (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp)

Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần trực tiếp đưa đến sự ra đời của Hiệp định Genève về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Tại thời điểm đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam tại các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên khu miền Đông, quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra bắc.

Theo Hiệp định, trên chiến trường Nam Bộ lúc ấy, Đồng Tháp Mười, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) là một trong ba khu vực tập kết và chuyển quân ra bắc. Cao Lãnh vinh dự được chọn làm điểm tập kết chuyển quân 100 ngày của quân đội ta.

Tại thời điểm đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam tại các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên khu miền Đông, quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra bắc.

100 ngày tập kết tại Cao Lãnh, nhân dân đã đùm bọc, thương yêu bộ đội ta như người thân trong gia đình, bộ đội giúp dân xây dựng các công trình trường học, cầu, đường, sửa sang nhà cửa, dạy chữ, dạy hát cho các em thiếu nhi...

Những việc làm cụ thể của cán bộ, bộ đội Cụ Hồ đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng và lòng tin vào cách mạng sâu đậm trong nhân dân. Chính vì vậy, sau này, khi đế quốc vi phạm Hiệp định, tổ chức khủng bố, đàn áp, cơ sở cách mạng ở Cao Lãnh vẫn vững vàng, tồn tại và phát triển.

Thời hạn 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh dần khép lại, ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng cho những người con ưu tú của miền nam rời Cao Lãnh để tập kết ra miền bắc.

Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia ảnh 3
Cụm hình ảnh “Tập kết tại Cao Lãnh năm 1954-Ra đi để trở về”. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp)

Hàng nghìn người đứng trên bờ lưu luyến tiễn đưa, người đi, người ở đồng loạt giơ hai ngón tay, hẹn hai năm sau sẽ gặp lại. Đây là cuộc chia tay thấm đẫm niềm tin, tình yêu thương, chờ đợi và hy vọng.

Lời hẹn hai năm, trở thành 21 năm đằng đẳng chia ly, đằng đẳng đợi chờ, đằng đẳng nhớ mong khắc khoải, những người con miền nam tập kết ra bắc phải sống trong tâm trạng "Ngày bắc, đêm nam".

Tuy được sự đùm bọc, che chở của nhân dân miền bắc, được dành cho những điều kiện tốt nhất, nhưng những người con ấy luôn khắc khoải khi nghe tin miền nam đang chìm trong biển lửa, khi mẹ già, em thơ phải chịu cảnh đàn áp dã man của kẻ thù.

Lời hẹn hai năm, trở thành 21 năm đằng đẳng chia ly, đằng đẳng đợi chờ, đằng đẳng nhớ mong khắc khoải, những người con miền nam tập kết ra bắc phải sống trong tâm trạng "Ngày bắc, đêm nam".

Trong đó, có người đã ngã xuống trong lòng đất mẹ để bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa, có người mãi mãi nằm lại trên chặng đường về nam cứu nước, có người được Đảng, Nhà nước cử đi đào tạo trong và ngoài nước và trở thành cán bộ chủ chốt trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, trong đó có nhiều đồng chí trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Chuyến tàu cuối cùng chuyển quân tập kết ra bắc, với tinh thần đi vinh quang, ở anh dũng đã nhổ neo. Người đi quyết tâm xây dựng miền bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền nam.

Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia ảnh 4
Tàu Liên Xô chở cán bộ, bộ đội, học sinh miền nam ra bắc năm 1954. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp)

Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cùng hẹn ước 2 năm đoàn tụ. Khát vọng thống nhất đất nước đã giúp tất cả thêm mạnh mẽ, can trường, dẫu trước mắt là xa nhau và biết bao gian khó còn trùng trùng vây bủa.

Nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy, cụ Nguyễn Trung Cang, 85 tuổi chia sẻ: “Lúc chuẩn bị tập kết, tôi đang ở Dứt Gò Suông, Sa Rài, Tân Hồng thì được lệnh về để đi tập kết. Lúc đó tôi xin về nhà được gặp má một chút rồi hả đi, lãnh đạo nói không được, gấp lắm rồi, phải đi liền.

Đến ngày xuống tàu tập kết, được lệnh 3 giờ khuya hành quân đi ra bắc Cao Lãnh, đi đến đâu, bà con đứng 2 bên rất lưu luyến, kẻ ở người đi, mặc dù không quen biết, không họ hàng.

Ngày đi biết bao thương nhớ, lưu luyến, nghĩ trong bụng đi vinh quang, ở anh dũng. Tôi cũng như những người trên tàu đưa 2 ngón tay ra chào nhau, với hy vọng 2 năm sau sẽ gặp lại nhau (2 năm thi hành Hiệp định Geneve) với cùng chung suy nghĩ, bây giờ tạm biệt thôi, 2 năm sau gặp lại, nhưng không ngờ rằng 2 năm trở thành 21 năm”.

Buổi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt rưng rưng niềm xúc động.

Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia ảnh 5
Một tiết mục nghệ thuật ngợi ca truyền thống cách mạng hào hùng, đượm tình quê hương Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tổ nghệ thuật kết hợp video clip về Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh “Đi vinh quang-Ở anh dũng” khép lại cũng là những phút giây ấm áp khi lãnh đạo tỉnh tặng hoa, khăn choàng tại hàng ghế đại biểu tri ân các nhân chứng lịch sử, đã tham gia trực tiếp sự kiện tập kết ra bắc. Những đóa hoa thay cho lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các cô, các bác.

Giáo dục cho thế hệ trẻ

Nhằm tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trên con đường trường chinh cứu nước, cũng như sự đóng góp của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã quyết tâm huy động nguồn lực xây dựng Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh và tiến hành khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2017.

Đến nay, Di tích này chính là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ của tỉnh Đồng Tháp hôm nay. Vinh dự hơn, vào ngày 24/2/2023, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng chia sẻ: “Theo quy luật của thời gian, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh trẻ trung, nhiệt huyết của năm xưa giờ đây đã thành ông, bà. Có những người đã về với đất mẹ, nhưng chúng ta tin rằng với ý chí sắt đá, tình yêu quê hương vô bờ vẫn còn ngự trị trong tâm thức của mỗi nhân chứng lịch sử, sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”.

Đến nay, Di tích này chính là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ của tỉnh Đồng Tháp hôm nay. Ngày 24/2/2023, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.

Đồng chí Phan Văn Thắng cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tập kết, thân nhân, gia đình của cán bộ tập kết được chăm sóc về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm, nguồn vốn và phương tiện sản xuất để đời sống ngày càng được tốt hơn.

Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa cử nhân văn, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc - "Uống nước nhớ nguồn", vừa góp phần xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Xúc động nơi tập kết ra bắc thành di tích quốc gia ảnh 6
Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc Gia Địa điểm Tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Về phát huy giá trị di tích, đồng chí đề nghị lãnh đạo thành phố Cao Lãnh phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

Tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, đưa Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh trở thành điểm đến của nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Cao Lãnh.

69 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.

Nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa, thơ mộng, ngày nay Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được ví như đóa sen bên dòng sông Tiền, là một điểm tham quan mới mang đậm nét đặc trưng của quê hương Đồng Tháp.