Xuất khẩu khả quan
Ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại các công xưởng của Công ty TNHH VRICE I vẫn tấp nập các đơn hàng để chuẩn bị thông quan kịp tiến độ xuất khẩu sang thị trường EU. Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE ước tính, trong hai tháng đầu năm 2021, VRICE xuất khẩu khoảng 40 container gạo thơm các loại với giá tương đối ổn định ở mức bình quân 600 USD/tấn, cao hơn mức giá xuất khẩu hàng hóa thông thường.
“Mức giá này tương đối khả quan, là kết quả tích cực từ nhu cầu thị trường cũng như hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Do đó, ngay trong dịp nghỉ Tết, doanh nghiệp vẫn tất bật chuẩn bị đơn hàng để kịp giao cho khách hàng đúng tiến độ”, ông Phan Văn Có phấn khởi cho biết.
Những niềm vui từ các đơn hàng xuất khẩu đã nối dài thành tích cho hoạt động ngoại thương trong những tháng đầu năm 2021. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, tính từ đầu năm đến 15-2, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 38 tỷ USD và tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2020. Về nhập khẩu, tính đến giữa tháng 2, con số kim ngạch cũng tăng 25%. Đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn chưa thuyên giảm và gây tác động về mặt lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Kết quả này có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất khác nhau, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp với các mặt hàng như dệt may, da giày. Trong năm 2020, các mặt hàng đã chịu tác động rất lớn khi đều phải bị sụt giảm sản lượng đến 10%. Tuy nhiên, trong một tháng rưỡi vừa qua, cả hai ngành này cũng đã có những bước tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc, phụ tùng và các sản phẩm điện tử vẫn có mức tăng trưởng rất cao trước nhu cầu lớn của của thế giới.
Riêng nhóm hàng nông sản, mặc dù kim ngạch không cao so được với nhóm hàng công nghiệp, nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua, tính đến 15/2 xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được kế hoạch khá tốt, có mức tăng trưởng là 5%, đóng góp chung cho thành tích của hoạt động xuất khẩu.
“Để hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho năm nay, hiện nay, Bộ Công thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công thương trong dài hạn”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các FTA, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của các FTA tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Giải nỗi lo cước phí container
Mặc dù lạc quan về đơn hàng và thị trường song các doanh nghiệp cho biết rất lo ngại tình trạng giá cước phí logistics qua đường biển quá cao như hiện nay kéo dài sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu. Ông Phan Văn Có cho biết, trong tháng 1 vừa qua, công ty đã mất nhiều đơn hàng lớn vì giá cước container vẫn ở mức quá cao. “Hiện tại giá cước thuê container từ TP Hồ Chí Minh đi Châu Âu dao động 4.000 - 4.600 USD/cont 20 feet, TP Hồ Chí Minh đi Châu Phi là 3.500 - 4.000 USD/ cont 20 feet, TP Hồ Chí Minh đi Trung Đông có giá từ 1.800-2.400 USD/cont 20 feet... Chính vì thế khách hàng trước đây vốn giao dịch với chúng tôi đã chọn phương án mua hàng các nước có vị trí địa lý gần nhất để giảm giá cước và rủi ro trong quá trình vận chuyển”, ông Phan Văn Có lo ngại.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, tình trạng cước phí logistics qua đường biển tăng cao và thiếu hụt container rỗng diễn ra trong cuối năm 2020 đã được các cơ quan Bộ, ngành của Việt Nam nhận thấy. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị chủ quản đã phối hợp Bộ Công thương có nhiều buổi làm việc với các hãng tàu, hiệp hội chủ hàng, các doanh nghiệp và dịch vụ logistics để tìm hiểu cũng như đưa ra giải pháp. Trước mắt, tình trạng tăng giá phi mã đã được kiểm soát.
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì thành lập một đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Bộ Công thương để đi làm việc với hãng tàu. Một mặt là để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 146/2016/NĐ-CP về giá dịch vụ tại cảng biển để công khai các chi phí liên quan đến cước phí, mặt khác là để tìm ra những giải pháp cùng hãng tàu để có thể gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như là hợp lý hóa những khoản thu mà hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có phản ánh lại là tăng cao quá mức hợp lý. Đoàn kiểm tra này dự kiến sẽ đi kiểm tra ngay trong tháng 3 để tìm giải pháp kéo được giá vận chuyển hàng xuất khẩu qua đường biển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Riêng với việc thiếu hụt container thì hiện đã bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến sản xuất và xuất khẩu container. Ta không thể làm được trong một ngày nhưng hy vọng trong một, hai năm tới đây sẽ là một hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
“Tình trạng tăng giá cước tàu biển cũng như thiếu container rỗng có nguyên nhân chủ yếu gắn với việc năng lực xử lý hàng hóa ở các cảng của Châu Âu và Bắc Mỹ bị sụt giảm do yếu tố dịch bệnh Covid-19. Như như vậy thì nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt, đặc biệt là ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ thì chúng ta cũng hy vọng là tình trạng này cũng sẽ có thể thuyên giảm trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải kỳ vọng.