Đơn hàng sụt giảm
Mọi năm vào thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang hối hả sản xuất để kịp đơn hàng cho đối tác trong quý 4 và gối đầu sang năm sau. Tuy nhiên, năm nay, với việc hai thị trường lớn là Mỹ và EU ảnh hưởng lạm phát đã kéo theo sức cầu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngành này. Theo đó, năm nay đơn hàng của doanh nghiệp không có nên doanh số tiêu thụ cũng vì thế giảm mạnh.
Ông Nguyễn Duy Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty sản xuất máy chế biến gỗ Hồng Ký (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu tiêu thụ bị suy giảm nghiêm trọng của các thị trường lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, kéo theo những đơn vị tham gia vào ngành chế biến gỗ cũng bị ảnh hưởng theo. Như Công ty sản xuất máy chế biến gỗ Hồng Ký, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, so sánh với cùng kỳ doanh số tiêu thụ đã giảm đến 70%.
Cũng là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành gỗ xuất khẩu, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long cho biết, nếu từ tháng 1 đến tháng 4/2022, xuất khẩu gỗ rất tốt, doanh số tăng nhưng từ tháng 5 đến tháng 9, doanh số giảm và giảm một cách đáng ngại. Do hầu hết các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chỉ có một số doanh nghiệp đủ công việc để làm 6 ngày/tuần. Theo thống kê, hiện tại, có đến 50% doanh nghiệp giảm 50% công suất.
“Năm 2022, Hiệp Long có thể chỉ đạt khoảng 95% kế hoạch mục tiêu”, ông Huỳnh Quang Thanh chia sẻ.
Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang gặp khó và tiếp tục giảm tốc ở một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU)... Cụ thể tại Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ (chiếm hơn 55% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng trong 9 tháng đầu năm) đang tiếp tục diễn biến sụt giảm. Đây cũng là yếu tố chính khiến ngành gỗ dù ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm 2022.
Ông Vũ Tiến Thập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP nội thất D’Furni chia sẻ, lượng tồn kho nội thất ở Mỹ hiện nay quá lớn. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, họ nhập khẩu với số lượng lớn nhưng tới giờ vẫn chưa tiêu thụ hết.
“Tôi vừa mới từ hội chợ nội thất lớn nhất thế giới tổ chức ở Mỹ về, chưa bao giờ tôi thấy hội chợ này vắng lặng như vậy. Thứ nhất là thiếu các doanh nghiệp Trung Quốc họ không tham gia, thứ 2 là thiếu người tiêu dùng vì những tác động từ lạm phát khiến họ không tha thiết với những xu hướng nội thất mới. Thứ 3 là nhiều doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới cũng không mặn mà tham gia hội chợ trong thời điểm này vì sức mua sụt giảm quá lớn”, ông Vũ Tiến Thập chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 10/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2022. Tuy vẫn tăng trưởng, nhưng đà tăng trưởng này đã không thể đạt 2 con số như giai đoạn trước đó. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo, mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của cả năm nay khó có thể hoàn thành.
Các hội chợ, triển lãm ngành gỗ cần được tổ chức với quy mô lớn hơn. |
Tìm giải pháp đa dạng thị trường và giữ vững thị phần
Trong giai đoạn này, nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác thị trường mới là một trong những giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện tại. Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô sản xuất, chăm sóc tốt những khách hàng hiện có, cũng như tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn cũng là một giải pháp hiệu quả mà các doanh nghiệp ngành gỗ cần làm trong bối cảnh hiện tại.
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh thị trường Mỹ giảm tiêu thụ thì thị trường Trung Đông đang nổi lên như là một thị trường lý tưởng. Tại đây sắp tới có những sự kiện lớn như bóng đá sẽ kéo theo sức tiêu thụ sản phẩm gỗ rất lớn.
Đối với các thị trường truyền thống, để giữ vững được thị phần, không có cách nào khác ngoài việc phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị với doanh nghiệp rằng cần phải chuyển đổi nhanh. “Lâu nay ngành công nghiệp gỗ của chúng ta đang phát triển dường như theo chiều rộng, chúng ta sử dụng nhân công, sử dụng nguyên liệu đầu vào lớn để tạo ra giá trị sản phẩm. Có lẽ trong những năm tới chúng ta phải có một bước chuyển đổi, phải tạo ra một bước ngoặt lớn, đi vào chế biến và xuất khẩu để có được những nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng ít nhân công, ít nguyên liệu đầu vào hơn để củng cố và nâng cao thị phần ở những thị trường truyền thống”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú ý đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, bảo đảm tính minh bạch của đầu vào, đầu ra. Hiện nay, khi doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu sản phẩm gỗ thì cũng phải đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ, đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào... Nếu doanh nghiệp có một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt hơn thì có thể có năng lực phòng vệ thương mại tốt hơn.
Tiếp theo nữa, giống như các ngành khác, ngoài việc phải tận dụng tốt cơ hội mà công nghệ số mang lại, Hiệp hội Gỗ cũng như các hiệp hội địa phương với sự hỗ trợ của Bộ Công thương cũng tổ chức rất nhiều những cuộc hội chợ, triển lãm để có thể quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và thu hút khách hàng đến. Những năm tới, hoạt động quảng bá phải tăng cường quy mô ở tầm quốc gia chứ không phải là chỉ các doanh nghiệp, làm sao để thực sự biến Việt Nam thành một trung tâm chế biến gỗ có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh tốt và bền vững.