Theo Công an tỉnh Bắc Kạn, bước đầu đã ghi nhận có 154 hòm thư công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương bị đe dọa, tống tiền.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng địa chỉ hòm thư có tên hiển thị tương tự hòm thư công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để gửi thư có nội dung đe dọa, tống tiền, làm người nhận lầm tưởng hòm thư của mình bị tấn công, xâm nhập với tiêu đề thư “Bạn có khoản cần thanh toán”. Mỗi lần gửi thư của các đối tượng lừa đảo có địa chỉ IP khác nhau.
Trong nội dung thư, các đối tượng thông báo đã thu thập được các dữ liệu cá nhân, nhạy cảm của chủ hộp thư, gồm: lịch sử truy cập web, hình ảnh riêng tư, lịch sử nhắn tin trên các ứng dụng OTT (Zalo, Facebook, Viber...). Các đối tượng đe dọa tài liệu liên quan đến cá nhân sẽ bị công khai, chia sẻ lên không gian mạng sau 48 giờ nhằm tống tiền.
Để xóa các dữ liệu đã bị thu thập, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển 25 triệu đồng đến ví bitcoin.
Theo Công an tỉnh Bắc Kạn, đây là một thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Bắc Kạn thông báo kịp thời tới cán bộ, công chức, viên chức về phương thức, thủ đoạn này. Đồng thời, phối hợp rà soát, bóc gỡ, xóa bỏ các thư điện tử có nội dung như trên. Các chủ tài khoản hòm thư công vụ cần đổi mật khẩu, sao lưu dữ liệu quan trọng ra các thiết bị lưu trữ ngoài để đề phòng bị mã hóa.
Bên cạnh thủ đoạn mới nói trên, từ đầu năm 2021 tới nay, tình trạng lừa đảo qua mạng, điện thoại với nhiều thủ đoạn tinh vi đã xuất hiện tại Bắc Kạn.
Trong đó, nổi cộm là tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông, qua hình thức thông báo “hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp”. Riêng tháng 11 và 12/2021, trên địa bàn Bắc Kạn đã có 2 nạn nhân bị lừa đảo mất hơn 570 triệu đồng qua hình thức này.
Ngoài ra, còn hình thức lừa đảo qua điện thoại, thông báo cho nạn nhân có quà từ nước ngoài gửi về, muốn nhận quà phải chuyển tiền qua tài khoản. Trong tháng 9, trên địa bàn Bắc Kạn có 1 nạn nhân đã bị lừa chuyển hơn 300 triệu đồng nhưng nhờ sự cảnh giác của cán bộ ngân hàng khi thấy nạn nhân chuyển tiền mà không rõ người nhận nên đã kịp thời báo Công an ngăn chặn.
Công an Bắc Kạn khuyến cáo khi tiếp nhận thông tin người dân cần chủ động gọi điện đến đường dây nóng của đơn vị, xác minh để tránh bị lừa. Bởi lẽ, hầu hết các vụ việc vừa qua đều có tình trạng người dân không xác minh, mà ngay lập tức chuyển tiền vào tài khoản, khi người dân trình báo đến thì tiền đã mất.