Năm 2004, hoạt động xuất bản sách điện tử trên thế giới đã có những chuyển động tích cực, doanh thu từ sách điện tử của toàn thế giới đạt 646 triệu USD, chiếm 6,4% doanh thu về sách nói chung; đến năm 2009, doanh thu từ sách điện tử trên thế giới đạt 1,5 tỷ USD. Tại Việt Nam, năm 2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42/CT-TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó lần đầu đặt vấn đề “nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử” ở nước ta.
Tuy nhiên, sau đó mới chỉ có một vài nhà sách tư nhân kinh doanh sách điện tử của các đơn vị xuất bản nước ngoài. Chỉ đến năm 2010, sách điện tử mang thương hiệu Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường và phát triển khá rầm rộ vào các năm tiếp theo với sự tham gia của nhà xuất bản (NXB) Trẻ và NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cùng một số nhà sách tư nhân như Lạc Việt, TiKi, Vinabook, Aleza... Một số trang web cũng cho phép người đọc truy cập và tải về (có thu tiền hoặc miễn phí) các định dạng khác nhau của sách điện tử như: ebook.vn, sachvui.com, ebook.edu.vn, waka.vn, cafebook.org, sachnoi.net,… trong đó có trang web thu hút 3,2 triệu người dùng. Đến ngày 20-6-2014, thị trường sách xuất hiện thư viện sách điện tử của NXB Kim Đồng, sau hai tháng đọc miễn phí, người đọc có thể đăng ký với giá 40 nghìn đồng một tháng.
So với sách in truyền thống, giá sách điện tử (không tính chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị đọc chuyên dùng hoặc máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) chỉ bằng từ 15% đến 30%. Đây là lợi thế rất lớn, khi ngày nay việc sở hữu một trong những thiết bị điện tử nói trên không phải là quá khó khăn đối với nhiều người, và số thuê bao kết nối với internet (in-tơ-nét) với hơn 50 triệu địa chỉ sử dụng đã đạt hơn 50% dân số nước ta. Như vậy, phía khách hàng đã sẵn sàng, theo thời gian số lượng người đọc ebook sẽ tăng lên, vấn đề còn lại là ở phía các nhà cung cấp (NXB và công ty phát hành sách điện tử) có hàng hóa phong phú, hấp dẫn và lôi cuốn được khách hàng truy cập vào kho sách điện tử của họ hay không mà thôi.
Để có thể kiểm soát sự phát triển có tính tự phát và cả yếu tố phi thị trường của việc kinh doanh phát hành sách điện tử ở nước ta, ngày 29-12-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã ban hành Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ trưởng TT và TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản”, trong đó ban hành kèm theo Mẫu đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử, và yêu cầu các NXB, công ty phát hành sách điện tử phải xây dựng đề án và hoàn thiện.
Theo Mẫu đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT, thì NXB và công ty phát hành xuất bản phẩm điện tử phải đáp ứng bốn yêu cầu để được đăng ký xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, đó là: Thứ nhất, nhà cung cấp phải đăng ký đủ điều kiện về thiết bị, công nghệ dự kiến triển khai bao gồm máy chủ, phần mềm thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử, danh mục thiết bị truyền phát trên internet; Thứ hai là điều kiện về nhân lực kỹ thuật dự kiến triển khai với những yêu cầu chi tiết gần như một trích yếu lý lịch khoa học của người quản lý, vận hành hệ thống thiết bị; Thứ ba là các giải pháp kỹ thuật dự kiến triển khai, trong đó đặc biệt quan trọng là giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, loại bỏ sự xâm nhập nhằm thay đổi nội dung xuất bản phẩm điện tử, giải pháp có thể khôi phục những nội dung đã bị thay đổi; Thứ tư là tên miền internet Việt Nam dự kiến.
Nội dung yêu cầu trong mẫu đề án nói trên có một số điểm thật sự là đề bài khó có lời giải trong một thời gian ngắn đối với nhiều nhà cung cấp ebook hiện nay. Đối với các nhà cung cấp xuất bản phẩm điện tử đã gửi Đề án hoạt động trước ngày Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT có hiệu lực nhưng nội dung đề án không phù hợp nội dung quy định tại thông tư này phải hoàn thiện lại cho phù hợp. Hiện nay, đã có năm nhà cung cấp xuất bản phẩm điện tử được cấp đăng ký hoạt động, tức là một dạng giấy phép, đó là các NXB: Giáo dục Việt Nam, Quân đội nhân dân, Thông tin và Truyền thông, Y học, Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ. Đáng tiếc, một số đơn vị xuất bản có uy tín chưa được phép tiếp tục hoạt động vì những vướng mắc về thủ tục. Trong khi đó, nạn vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả trên mạng dưới nhiều hình thức đã và đang không chỉ gây thất thu về tài chính cho tác giả và các đơn vị xuất bản, mà còn khiến một số tác giả nổi tiếng từ chối tham gia cộng tác với mảng sách điện tử, khiến thị trường xuất bản phẩm điện tử vài năm gần đây sụt giảm tốc độ tăng trưởng.
Ngày 9-10 vừa qua, tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0” do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, bên cạnh những ý kiến đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký xuất bản, sử dụng mã số sách theo tiêu chuẩn quốc tế ISBN, một số đại biểu là lãnh đạo NXB cũng đề cập đến những vướng mắc cần được tháo gỡ trong hoạt động xuất bản điện tử. Mỗi đơn vị đều có những đề xuất riêng, nhưng có một điểm chung là chi phí đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng như máy chủ và hệ thống thiết bị đi kèm đối với nhiều NXB hiện nay là quá sức.
Vốn chủ sở hữu của các NXB thấp, nếu không có hỗ trợ từ cơ quan chủ quản hoặc không được vay với lãi suất ưu đãi thì rất ít đơn vị có thể đầu tư máy chủ và các thiết bị đồng bộ của riêng mình kèm theo chi phí vận hành cho toàn bộ hệ thống thiết bị theo yêu cầu của các văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản, phát hành. Mặt khác, để có đội ngũ nhân lực kỹ thuật vừa có khả năng biên tập kỹ thuật, mỹ thuật xuất bản phẩm điện tử, vừa có thể quản trị được hệ thống kho sách, quản lý bán hàng, thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin, chống can thiệp từ bên ngoài nhằm sửa chữa, thay đổi nội dung, đặc biệt là chống vi phạm bản quyền, chia sẻ trái phép các xuất bản phẩm điện tử,… đòi hỏi phải có thời gian đào tạo và hòa nhập với môi trường xuất bản của đội ngũ nhân sự làm công nghệ thông tin vốn có thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với thu nhập của biên tập viên xuất bản.
Để góp phần thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển tương xứng với xuất bản truyền thống trong thời gian tới, thiết nghĩ cơ quan quản lý và các NXB, đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử cần có sự điều chỉnh trong cách thức hoạt động. Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hành lang pháp lý phù hợp theo hướng giảm bớt những quy định về thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng, qua đó giảm bớt công việc của chính các cơ quan quản lý, NXB, đồng thời có điều kiện tập trung các nguồn lực vào yêu cầu trọng yếu của xuất bản điện tử là nội dung xuất bản phẩm không bị thay đổi, sử dụng ngoài ý muốn của tác giả và NXB. Đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính để công tác quản lý thiết thực hơn, hiệu lực quản lý mạnh mẽ hơn, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm được chi phí. Mặt khác, cần xem xét việc đăng ký tên thiết bị, hãng sản xuất, nước sản xuất có thật sự là yêu cầu bắt buộc hay nên tổ chức khảo sát, đánh giá lại về khả năng cho phép NXB dùng chung cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì hoạt động lâu dài?
Trước nạn vi phạm quyền tác giả đang ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát rất cần các cơ quan chức năng tạo được sự phối hợp một cách toàn diện về cơ chế, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm, xử phạt nghiêm minh, chặn được những trang web xấu, độc, sẽ không những bảo vệ được lợi ích kinh tế của các nhà cung cấp sách điện tử mà còn góp phần tạo ra môi trường internet an toàn, lành mạnh ở nước ta, tạo sự tin cậy của người đọc, từ đó sẽ có nhiều tác giả đồng ý cho phép đưa tác phẩm của họ lên internet, vừa tăng thu nhập cho tác giả, vừa có độ lan tỏa và hấp dẫn người đọc rộng rãi hơn.
Hiện nay, một loại hình sách điện tử tuy không mới nhưng đối với nhiều NXB và công ty phát hành còn ít được khai thác, đó là sách nói (audio). Loại sách này không chỉ thuận lợi cho người khiếm thị khi sử dụng mà đang có sức hút mạnh mẽ với nhiều đối tượng người đọc, cho nên cũng cần được đầu tư thích đáng. Các NXB và công ty phát hành xuất bản phẩm điện tử cần thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình là Hội Xuất bản để thống nhất, hợp tác xây dựng một nền tảng kỹ thuật chung cho việc phát hành xuất bản phẩm điện tử. Khi đó người dùng sách ebook của các đơn vị xuất bản khác nhau không cần phải thay đổi, cài đặt bất kỳ phần mềm nào khác vẫn có thể đọc được.
Làm được điều này sẽ không những tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc, mà còn góp phần bồi đắp lòng tự tôn dân tộc khi được tiếp cận một thị trường sách điện tử mang thương hiệu Việt Nam. Vì thế, vai trò tổ chức, dẫn dắt mang tính nghề nghiệp của Hội Xuất bản Việt Nam lúc này rất quan trọng. Mong rằng thời gian tới, với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng cũng như các đơn vị xuất bản và sự ủng hộ của cộng đồng, tương lai của sách điện tử sẽ có nhiều khởi sắc, phát triển tương xứng tiềm năng.