Xuân yên bình trên các khu tái định cư ở Hà Tĩnh

Đón xuân mới ở các khu tái định cư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh, người dân đầy rạng rỡ, lạc quan. Từ khi chủ động "nhường đất" cho dự án trọng điểm quốc gia, họ thêm lần nữa nhận thấy quyết định đúng đắn của mình khi khởi đầu cuộc sống mới, an cư, lạc nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu tái định cư khang trang ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Một khu tái định cư khang trang ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Không khí ngày xuân nơi đây đang lan tỏa, ấm áp trong mỗi nếp nhà tái định cư. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân đang nỗ lực vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Chủ động an cư, lập nghiệp

Nhìn từ xa, khu tái định cư thôn Đông Vĩnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc trông như một khu đô thị thu nhỏ, với các dãy nhà hai tầng mọc lên san sát. Bên con đường thảm nhựa rộng thênh thang, những hàng cây xanh đua nhau đâm chồi, nảy lộc tràn đầy nhựa sống báo hiệu một khởi đầu mới an yên, ấm no.

Đây là năm đầu gia đình ông Nguyễn Trọng Mạnh đón Tết ở khu tái định cư. Dù tất bật với công việc buôn bán, dọn dẹp cuối năm, nhưng ông Mạnh vẫn hồ hởi kể về những đổi thay của gia đình mình cũng như đời sống của bà con lối xóm: "Giữa năm 2023, gia đình tôi bàn giao 670 m2 đất ở và di dời nhà cửa, tài sản ở khu đất cũ để nhường mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công đường cao tốc bắc-nam đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi. Vốn làm nghề kinh doanh, buôn bán cho nên khi được chính quyền ưu tiên bố trí lô đất giáp với Đường huyện 34 nối xã Kim Song Trường với Quốc lộ 15, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà ở, nhà hàng khang trang, rộng rãi trên diện tích 440 m2 để mở rộng kinh doanh, đón đầu nhu cầu phát triển của địa phương".

Ông Mạnh cho biết thêm, bất cứ một sự đổi thay nào cũng sẽ gây ra sự xáo trộn trong đời sống, tuy nhiên nhờ được Nhà nước hỗ trợ tương xứng, gia đình lại chủ động di dời về nơi ở mới sớm cho nên những khó khăn ban đầu cũng dần được hóa giải và cuộc sống hiện tại của gia đình ông đã ổn định, công việc kinh doanh cũng phát đạt hơn so với lúc đang ở trong khu dân cư chật chội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Song Trường Nguyễn Thanh Hoàn cho biết, gia đình ông Nguyễn Trọng Mạnh là một trong 118 hộ gia đình của địa phương phải di dời, tái định cư để bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công đường cao tốc bắc-nam. So với điều kiện của nơi ở cũ thì cơ sở hạ tầng ở hai khu tái định cư Đông Vĩnh và Phúc Yên được xây dựng khá đồng bộ, có tính kết nối cao. Cả hai khu đều được bố trí ở khu đất cao ráo, thoáng đãng, được đầu tư đồng bộ từ hạ tầng giao thông tới hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước. Vì vậy, người dân rất phấn khởi, chủ động xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Gia đình ông Trần Bảo là hộ dân đầu tiên nhận đất và hoàn thành việc xây nhà ở khu tái định cư Đông Vĩnh. Ngôi nhà hai tầng rộng hơn 250 m2, được bố trí, trang hoàng nội thất khá tiện nghi và hiện đại. Ông Bảo kể: "Hệ thống phòng ở, bếp ăn, phòng khách… ở ngôi nhà mới bảo đảm phục vụ cho gia đình ba thế hệ sinh sống. Việc phải rời bỏ nơi ở đã gắn bó hàng chục năm với nhiều kỷ niệm là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sống gần hai năm qua tại khu tái định cư mới, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, tiện lợi, chất lượng cuộc sống được nâng lên nhiều. Chưa kể, đường cao tốc bắc-nam là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cho nên chúng tôi cảm thấy rất vui khi góp phần giúp công trình sớm hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác".

Xuân yên bình trên các khu tái định cư ở Hà Tĩnh ảnh 1
Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng duy trì mối quan hệ, gắn bó với nhân dân vùng tái định cư đường cao tốc bắc-nam.

Chung tay xây dựng cuộc sống mới

Thực tế, cùng với việc hỗ trợ nhân lực, phương tiện để người dân di dời nhà cửa, tài sản về nơi ở mới, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương còn đứng ra kết nối với các sàn giao dịch việc làm, công ty có nhu cầu về nguồn nhân lực để người dân tiếp cận, lựa chọn cơ hội việc làm ổn định. Ngoài ra, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đến thăm hỏi, động viên người dân, từ đó tăng cường tính kết nối, góp phần xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận.

"Ngay từ những ngày đầu triển khai giải phóng mặt bằng đường cao tốc bắc-nam, chúng tôi xác định tiêu chí các khu tái định cư phải đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và phải có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn nơi ở cũ, không để người dân bị thiệt thòi. Vì vậy, việc khảo sát, lựa chọn vị trí, quy hoạch, xây dựng năm khu tái định cư trên địa bàn được địa phương thực hiện, giám sát kỹ lưỡng", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Không khí đón Xuân Ất Tỵ 2025 ở khu tái định cư Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) đang tất bật, rộn ràng. Đây là năm thứ hai gia đình ông Đặng Văn Thuyên cùng 42 hộ dân ở các khu tái định cư Hà Văn, Lạc Đạo và Lạc Thọ đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới. Do đó, việc trang hoàng, sắm sửa được các gia đình thực hiện chỉn chu, tỉ mỉ hơn trước đây. Trong khu tái định cư rộng 1,2 ha, nhiều ngôi nhà mới khang trang nằm san sát nhau, dần hình thành nên bóng dáng của một khu phố mới hiện đại.

Theo chia sẻ của ông Thuyên, ngoài các vật dụng có sẵn khi dời dọn nhà cũ, người dân mua sắm thêm nhiều thiết bị, nội thất và nhất là những cành đào, cây mai, quất cảnh để trang hoàng cho ngôi nhà mới của gia đình. Khu tái định cư nằm ở trung tâm xã, bốn phía đều là đường giao thông rộng rãi, rất thuận lợi cho người dân lưu thông và buôn bán, nhờ đó, việc đi lại, thăm hỏi lẫn nhau giữa các hộ dân trong xã thuận lợi hơn. "Tết năm nay, tôi sẽ mua sắm nhiều bánh kẹo, gói nhiều bánh chưng hơn để đón tiếp bạn bè, người thân đến nhà vui Tết, đón Xuân", ông Đặng Văn Thuyên chia sẻ.

Huyện Cẩm Xuyên là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh Hà Tĩnh về tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc bắc-nam. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên, Phạm Hoàng Anh, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua địa bàn có tổng chiều dài 30,5 km (chiếm gần 30% tổng chiều dài toàn tuyến), trong đó tuyến chính dài 27,03 km, đi qua tám xã (Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, Cẩm Minh) và đường kết nối từ đường cao tốc đến Quốc lộ 1A đi qua xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên có chiều dài 3,2 km. Cẩm Xuyên có 2.318 hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, trong đó có 340 hộ ảnh hưởng đất ở; 1.560 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp; số còn lại có tài sản bị ảnh hưởng phải di dời, giải phóng mặt bằng; có 352 ngôi mộ, bốn nhà thờ họ phải di dời; toàn huyện phải xây dựng tám khu tái định cư để bố trí cho gần 150 hộ dân.

Điểm chung ghi nhận được tại các khu tái định cư ở huyện Cẩm Xuyên và trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh chính là tinh thần phấn chấn trước cuộc sống đầy hứa hẹn tại nơi ở mới. Và hơn ai hết, người dân đã thấy được hiệu quả từ quyết định đúng đắn của mình khi chủ động lựa chọn phương án di dời, tái định cư, nhường đất cho một trong những dự án trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh của quốc gia, từ đó cùng chung tay kiến tạo nên những giá trị "ích nước, lợi nhà".