Trước tình hình này, Công an tỉnh Bình Dương đã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đầu tư, kinh doanh bất động sản nhằm phòng ngừa đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản.
Vẽ và bán dự án “ma”
Nổi cộm về vẽ dự án “ma” để chiếm đoạt tài sản tại Bình Dương, ngày 1/11, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1994), Tổng Giám đốc Công ty Bình Dương City Land. Đồng phạm và cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với bị cáo Nguyễn Thanh Hùng, bị cáo Hoàng Anh Vui (sinh năm 1994) lĩnh án 20 năm tù; Lê Văn Công (sinh năm 1977) lĩnh án 18 năm tù và 1 năm 6 tháng tù (từ một bản án khác trước đó), tổng hợp hình phạt 19 năm 6 tháng tù; Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1991) lĩnh án 12 năm 6 tháng tù; Châu Lê Minh Vẹn (sinh năm 1987) lĩnh án 12 năm tù và 13 năm tù từ bản án khác trước đó cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt 25 năm tù.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến 2019, các bị cáo này góp vốn thành lập Công ty Bình Dương City Land. Các bị cáo mua nhiều thửa đất ở huyện Bàu Bàng và huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) có mục đích sử dụng đất nông nghiệp, sau đó xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm dự án đất ở, nhà ở, nhưng không được chấp thuận. Các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối, vẽ dự án “ma”, rao bán và ký 455 hợp đồng chuyển nhượng 455 lô đất ở 7 dự án chưa được cấp phép, gồm: Green City, Green City 2, Green City 3, Happy Home, Happy Home 2, Phúc Long City và Phú Thịnh.
Với 455 hợp đồng chuyển nhượng và 1 hợp đồng môi giới, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 162 tỷ đồng của 384 bị hại. Nguyễn Thanh Hùng và đồng phạm đã khắc phục trả lại một phần tiền chiếm đoạt cho 176 bị hại với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa khắc phục trả lại cho 384 bị hại hơn 144 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1983, quê tỉnh Nghệ An) để điều tra, làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Nguyễn Văn Minh là Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Phúc Anh có địa chỉ ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau khi môi giới bán một thửa đất tại huyện Phú Giáo, mặc dù không phải là chủ đất nhưng Minh đã tự ý phân thành 7 lô đất nhỏ và đưa thông tin gian dối rằng Công ty TNHH Địa ốc Phúc Anh là chủ sử dụng các lô đất để chào bán cho khách hàng. Ngày 22/3/2021, Minh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Địa ốc Phúc Anh ký hợp đồng chuyển nhượng một lô đất trên thửa đất trên cho bà H., ngụ thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với giá 900 triệu đồng. Dù đã nhận đủ tiền nhưng Minh không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và chiếm đoạt số tiền của bà H.
Liên quan vẽ dự án “ma” để bán, tháng 8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tôn Lâm Sỹ (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tỉnh Đồng Nai; tạm trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Sỹ là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư xây dựng Địa ốc Á Châu Real Estate, hoạt động kinh doanh bất động sản tại phường An Bình, thành phố Dĩ An. Từ tháng 6/2020 đến tháng 3/2022, Tôn Lâm Sỹ đã có hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng đất nền để chiếm đoạt tiền của 37 công dân.
Cụ thể: Khu đất tách thửa Á Châu Center 3 tại xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) là khu đất do cá nhân đứng tên thực hiện nhưng Sỹ tự đặt tên để giao dịch, ký hợp đồng với nhiều khách hàng để chiếm đoạt số tiền hơn 7,8 tỷ đồng. Đối với các lô đất tại thị xã Chơn Thành và các lô đất tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, Sỹ thống nhất nhận phân phối, môi giới cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, khi nhận tiền của khách, Sỹ chỉ chuyển cho chủ sở hữu của các khu đất 1,8 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 6,6 tỷ đồng. Từ những tài liệu và chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương xác định hành vi của Tôn Lâm Sỹ có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 14,4 tỷ đồng.
Cẩn trọng với thủ đoạn tinh vi
Theo Công an tỉnh Bình Dương, từ năm 2020 đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về bất động sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán, chuyển nhượng bất động sản chiếm tỷ lệ hơn 80% trên tổng số vụ án do lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thụ lý, giải quyết. Hầu hết các vụ án được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền, đã tiến hành khởi tố 5 vụ án với 11 bị can liên quan đến thủ đoạn phạm tội bằng cách lập các dự án “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 123 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã tiến hành điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 5 vụ, 11 bị can...
Kiên quyết đấu tranh đối với các loại tội phạm, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động tiến hành các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tội phạm, xây dựng các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực đất đai nói chung và tội phạm có liên quan đến các dự án “ma” nói riêng.
Thông qua việc phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông và các đơn vị có liên quan, Công an tỉnh cùng tổ chức các hoạt động để giải đáp những thắc mắc và lồng ghép phổ biến pháp luật, tuyên truyền giúp người dân nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến các sở, ngành liên quan để xử lý các vi phạm, tồn tại trong hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ yếu là về đất đai, xây dựng, góp phần phòng ngừa các loại tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan đến các dự án “ma” trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, thời gian tới, dự báo tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản, dự án “ma”, doanh nghiệp “ma” vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tính chất, mức độ phức tạp sẽ tinh vi hơn; xu hướng hoạt động sẽ kín đáo, chặt chẽ hơn; đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội, thành tựu công nghệ để quảng cáo, mua bán.
Thủ đoạn phổ biến các đối tượng sử dụng vẫn sẽ là thành lập các doanh nghiệp “ma”, văn phòng “ảo” để giao dịch bất động sản; thành lập doanh nghiệp, xin dự án sau đó phân lô rồi thông qua các doanh nghiệp môi giới thứ cấp để chào bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh. Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh; đồng thời khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tìm hiểu kỹ các thông tin, tính pháp lý, điều kiện mua bán, quy hoạch sử dụng thông qua chính quyền địa phương để tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.