Xử lý nghiêm minh mọi tội phạm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai

NDO - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố; tăng cường vai trò, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào sáng 11/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố; tăng cường vai trò, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng theo quy định. Trước mỗi vụ việc phải đánh giá, cân nhắc thận trọng, khách quan, áp dụng pháp luật linh hoạt, đặt lợi ích của Nhà nước, nhân dân lên trên hết.

Mọi tội phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, đồng thời phân hóa rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc; và các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.

Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, đa số các mặt công tác đều đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, năm sau tốt hơn năm trước. Trong đó, xác định “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự nhằm bảo vệ cao nhất quyền con người, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát nhân dân thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự…

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử; số kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân yêu cầu các cơ quan liên quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành cho nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.

Hằng năm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tham mưu Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá, Hướng dẫn thực hiện Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước.

Sau khi lắng nghe và trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngành kiểm sát đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, kết quả công tác năm sau đạt cao hơn năm trước, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao thành tích mà ngành kiểm sát đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch nước nêu rõ, bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động của ngành kiểm sát vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, như: chất lượng thực hành công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại một số đơn vị chưa cao; còn để xảy ra một số trường hợp phê chuẩn lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ thiếu chính xác; đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đạt yêu cầu, còn phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Chất lượng kháng nghị Giám đốc thẩm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội để ra. Hiệu lực kiến nghị, kháng nghị trong kiểm sát hoạt động tư pháp chưa cao. Một số bất cập, vướng mắc trong pháp luật về tư pháp chưa được đề xuất tháo gỡ kịp thời. Một số cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật công vụ chưa nghiêm, thiếu rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị ngành kiểm sát cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khả thi, khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đã trao đổi với các đồng chí lãnh các cơ quan, bộ ngành về một số nội dung công việc, đồng thời nêu thêm những công việc, nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại; chủ động, tích cực tham mưu, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Trong đó, tập trung thể chế để viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử; tiếp tục phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời tham mưu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm tốt hoạt động của hệ thống tư pháp, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, xác định đây là khâu đột phá, góp phần bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ngành kiểm sát phải nắm vững và thực hiện đúng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này, nhất là phát huy vai trò cơ quan điều tra của viện kiểm sát, bảo đảm cơ quan này thực sự là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

Tính chất quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ của nghề nghiệp, đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải liêm, chính, chí công, vô tư; không được định kiến; phải gương mẫu, đi đầu trong cuộc sống, công tác; đồng thời, phải kiên quyết xử lý những cán bộ trong ngành vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chủ tịch nước nêu rõ, tính chất quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ của nghề nghiệp, đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải liêm, chính, chí công, vô tư; không được định kiến; phải gương mẫu, đi đầu trong cuộc sống, công tác; đồng thời, phải kiên quyết xử lý những cán bộ trong ngành vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực hoạt động của ngành kiểm sát; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; làm tốt vai trò cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành Kiểm sát; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm điều kiện hoạt động của viện kiểm sát các cấp trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao.