Bình luận-Phê phán

Xử lý nghiêm hành vi xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân

Thời gian qua, tình trạng hình ảnh, thông tin cá nhân của người dân bị lợi dụng, khai thác trái phép để quảng cáo sản phẩm dưới nhiều hình thức tinh vi, khó lường đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Việc Nghị định 14/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 27/1/2022 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả trong bảo vệ thông tin, hình ảnh cá nhân, góp phần lành mạnh hóa hoạt động quảng cáo.

Nghệ sĩ Nhân dân Công Lý bị một đơn vị lợi dụng hình ảnh để phục vụ cho việc bán dao. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)
Nghệ sĩ Nhân dân Công Lý bị một đơn vị lợi dụng hình ảnh để phục vụ cho việc bán dao. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Ngày 9/2/2022, trên trang facebook cá nhân, họa sĩ Ngô Xuân Khôi bày tỏ sự bức xúc trước việc hình ảnh của mình bị sử dụng cho một quảng cáo thuốc. Nội dung quảng cáo biến anh thành một thầy giáo tên Lâm, bị ù tai nhiều năm, từng sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và khám ở nhiều bác sĩ nhưng không hiệu quả, chỉ đến khi dùng thuốc của đơn vị đang được quảng cáo thì sau ba tháng chứng ù tai đã hoàn toàn không còn nữa. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết: “Tôi thực sự sốc khi hình ảnh của mình bị đưa lên quảng cáo thuốc mà không hề được xin phép. Thực tế tôi cũng chưa bao giờ sử dụng loại thuốc này. Những người quảng cáo sản phẩm đang làm một việc rất thiếu trung thực, lừa dối khách hàng và vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân tôi.

Thông tin và hình ảnh này đang được biên tập ở một nhà xuất bản để chuẩn bị in thành sách có tên là: “60 ngày trị tận gốc ù tai mất thính lực” của tác giả Mưa Đá. Tôi đề nghị tác giả Mưa Đá (chắc không phải tên thật) và các bên liên quan dừng ngay việc này. Việc sản xuất, quảng bá, bán thuốc mà làm bậy tràn lan, mất kiểm soát như vậy rất nguy hiểm cho cộng đồng”. Bác sĩ Trịnh Hòa Bình, một người bạn của họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng cho biết: “Tôi cũng từng bị như vậy, cách đây hai năm. Một phòng khám đã lấy ảnh của tôi để quảng cáo. Sau, tôi gọi điện, bảo nếu không gỡ tôi sẽ kiện”.

Thời gian qua, sự việc xảy ra với họa sĩ Ngô Xuân Khôi không phải là chuyện hiếm gặp. Nhiều người nổi tiếng, trong đó phần lớn là nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên không khỏi bị bất ngờ khi thấy hình ảnh của mình bỗng nhiên xuất hiện trong một số quảng cáo như: rao bán thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám, chữa bệnh... trong khi họ không ký kết hợp đồng quảng cáo với các công ty, nhãn hàng đó. Như sinh thời, hình ảnh của một nghệ sĩ tên tuổi đã bị một số nơi sử dụng để quảng cáo cho các kiểu kinh doanh khác nhau, từ thực phẩm chức năng, thuốc trị ngáy, nhà hàng ăn uống,... cho đến bán bảo hiểm. Để tăng sức thuyết phục, đơn vị kinh doanh còn công phu dựng hẳn một bài phỏng vấn nghệ sĩ này về công dụng của thuốc chống ngáy trong khi ông hoàn toàn không hay biết, không hề nhận lời quảng cáo hay trả lời phỏng vấn về sản phẩm này. Ông chỉ được biết đến sự việc khi có người tình cờ phát hiện và thông báo lại. Nhưng quảng cáo đăng tải trên mạng đã hàng năm trời, đơn vị quảng cáo không có địa chỉ rõ ràng, bởi vậy ông không biết tìm ai để khiếu nại, đành chỉ biết than trời. Còn ca sĩ Thu Minh thì từng bị khai thác hình ảnh cá nhân trái phép cho một sản phẩm trà lợi sữa. Vì thế nữ ca sĩ bày tỏ sự bức xúc: “Đây không chỉ đơn giản là sử dụng hình ảnh bất minh, mà còn vi phạm vào thứ quan trọng nhất đời tôi đó là: Tình mẫu tử”.

Thực tế không ít quảng cáo đang lan truyền trên mạng đã khai thác trái phép hình ảnh, thông tin của người nổi tiếng nhằm phục vụ mục đích lợi nhuận, nhưng chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân cơ bản là do việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội vẫn đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ phía người sản xuất nội dung và nhà cung cấp dịch vụ, nên đã tạo kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, trục lợi. Trong các sự việc như vậy, người thiệt hại đầu tiên chính là người bị sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh do phần nhiều đều không hề hay biết về việc làm phi pháp của một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh tiếng của họ để kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp, thậm chí lừa đảo. Chưa kể, họ còn vô tình phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm được chào mời, rao bán do thông tin, hình ảnh về bản thân xuất hiện trong nội dung giới thiệu sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng tin nghe theo quảng cáo, vội vàng mua sản phẩm để sử dụng. Hậu quả là người tiêu dùng tiền mất, tật mang, niềm tin bị suy giảm.

Đáng lo ngại là gần đây không chỉ người nổi tiếng mà bất kỳ người dân bình thường nào cũng có thể trở thành đối tượng để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, khai thác trái phép thông tin cá nhân dưới nhiều chiêu thức tinh vi, khó lường cho các mục đích không trong sáng. Nhiều người cho biết thông tin cá nhân như điện thoại, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà, cơ quan,... của mình không hiểu vì sao đã lọt vào tay kẻ xấu, khiến thường xuyên gặp phải các hình thức quấy rối, làm phiền, thậm chí đe dọa tống tiền. Phổ biến nhất là những cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo rác, từ mời chào vay tín dụng, đầu tư nhà đất, đến làm bằng đại học, bằng lái xe, giới thiệu gia sư cho con... Nhiều người dù đã cài đặt chế độ chặn tin nhắn rác nhưng bằng cách nào đó, các tin nhắn này vẫn hiện diện, gây phiền toái và ức chế tâm lý cho người sử dụng. Đặc biệt thời gian gần đây còn gia tăng những cuộc điện thoại, tin nhắn khủng bố chủ thuê bao bằng việc thông báo họ đang có khoản nợ lớn cần trả, nếu không thực hiện việc chuyển tiền theo như đối tượng hướng dẫn có thể sẽ bị gặp nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình, hoặc bị đe dọa tung hình ảnh, thông tin nhạy cảm. Ở đây, bên cạnh nguyên nhân một số người vì bất cẩn nên đã vô tình để lộ lọt thông tin cá nhân trong một số giao dịch, nhất là trên mạng, thì cũng cần đặt ra nghi vấn về việc một số đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để thu thập trái phép thông tin cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau để sử dụng cho các mục đích không lành mạnh. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bởi đây không chỉ liên quan đến một số người dân cụ thể mà còn nguy cơ đe dọa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng như an ninh quốc gia.

Tại khoản 1, Điều 32, Luật Dân sự năm 2015 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Theo đó “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật” (khoản 3, Điều 32). Còn theo khoản 8, Điều 8, Luật Quảng cáo bổ sung sửa đổi năm 2018, thì một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Người tiếp nhận quảng cáo có quyền: “Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo; Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật” (khoản 3, 4, Điều 16 Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo).

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển và xác định cơ sở pháp luật nhằm kịp thời xử lý các hiện tượng, vấn đề bất cập mới nảy sinh, ngày 27/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản (Nghị định 14). Đáng chú ý, tại khoản 30, Điều 1 Nghị định 14 quy định, áp dụng mức phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng (mức cũ là 20 đến 30 triệu đồng) đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Và điểm g, khoản 32, Điều 1 Nghị định 14 quy định mức phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận; Gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.

Như vậy, các quy định của pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân về cơ bản rất cụ thể, chặt chẽ, có tính răn đe đã tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quá trình thực thi pháp luật thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng thiếu kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân, khiến các hành vi vi phạm có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Việc các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc tích cực hơn nữa, sớm triển khai Nghị định 14 sẽ kịp thời chấn chỉnh và góp phần tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi cá nhân, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh, dịch vụ và nhà cung cấp nền tảng mạng xuyên biên giới. Đồng thời, cộng đồng cần phát huy tinh thần trách nhiệm, khi phát hiện hiện tượng vi phạm cần kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật; không tiếp tay, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân với người khác. Đó chính là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân và cộng đồng.