Theo Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp và hơn 29.900 người nợ thuế với tổng số tiền lên đến hơn 405 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Bạc Liêu có số nợ thuế lớn như: Công ty TNHH một thành viên du lịch sinh thái Ðông Á Bạc Liêu hiện nợ gần 29 tỷ đồng; Công ty cổ phần du lịch sinh thái Nam Hải nợ hơn 15 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Bạc Liêu nợ 11,8 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý nợ hơn 20 tỷ đồng; Công ty cổ phần Du lịch Hồ Nam Bạc Liêu nợ hơn 17 tỷ đồng...
Những năm trước đây, Công ty TNHH một thành viên Duyên Hải US, có địa chỉ tại số 12, đường Lê Lợi, Khóm 6, Phường 1, thành phố Bạc Liêu được cho là hoạt động có hiệu quả, nhiều năm liền hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, hiện công ty này bị ngành thuế cưỡng chế thu thuế vì còn nợ quá hạn lên đến hơn 13,6 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu-Sài Gòn (địa chỉ đường Quy hoạch mới, Phường 1, thành phố Bạc Liêu) nợ thuế gần 37 tỷ đồng. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty. Ðây là đơn vị có số tiền nợ thuế “chây ỳ” hơn 10 năm qua.
Mới đây, Chi cục Thuế khu vực Hòa Bình-Vĩnh Lợi đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản gần 2,8 tỷ đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Lê Kiệt (địa chỉ số 38, ấp Trung Hưng 3, huyện Vĩnh Lợi); gần 4,6 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Lê Giang (địa chỉ: Ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Vĩnh Lợi)...
Tại các huyện Ðông Hải, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai, cơ quan thuế cũng ban hành hàng loạt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, “tạm dừng xuất cảnh” đối với nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu Võ Ðông Xuân, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nợ đọng nghĩa vụ thuế trong nhiều năm qua là do đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp tại Bạc Liêu có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có nhiều doanh nghiệp “siêu nhỏ”, nguồn vốn hoạt động chủ yếu vay từ ngân hàng.
Vì vậy, khi gặp khó khăn, các doanh nghiệp này có sức “chống chịu” kém, dẫn đến nợ tiền thuế và các khoản nợ khác như ngân hàng, bảo hiểm xã hội... Cục Thuế Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng, chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thu hồi nợ đọng của tỉnh; chỉ đạo đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp xử lý thu hồi tiền nợ thuế theo quy định như công khai thông tin, cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh...
Sau khi chính quyền và ngành thuế sử dụng “biện pháp mạnh”, việc thu nợ thuế ở Bạc Liêu bước đầu có chuyển biến. Ông Hoàng Thanh Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư Tập đoàn Hoàng Phát, chi nhánh Bạc Liêu cho biết: “Công ty hoạt động ở Bạc Liêu đã gần 15 năm qua, nhiều năm liền luôn gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Gần đây, do hoạt động gặp nhiều khó khăn cho nên còn nợ tiền thuế. Ngay sau khi có thông báo của cơ quan chức năng, công ty bước đầu đã nộp hơn 2 tỷ đồng”.
Một thực tế là bên cạnh những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì có hiện tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình không chịu nộp thuế. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh này dù nợ thuế nhưng vẫn trả lãi ngân hàng đầy đủ, không dám để quá hạn vì nếu để quá hạn sẽ bị ngân hàng phạt rất nặng.
Trong khi nếu nợ thuế kéo dài vài tháng, thậm chí hàng năm trời, thì cùng lắm là bị "tạm hoãn xuất cảnh". Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thời gian tới, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm hành vi trốn tránh nộp thuế dù đủ khả năng, thực hiện chế tài đủ sức răn đe để thu nợ thuế hiệu quả.