Không chỉ dừng ở đó, toàn bộ nền tảng mạng xã hội của VOV1, VOV2, Kênh truyền hình VOV… cũng bị spam bằng những nội dung có tính chất phỉ báng, miệt thị, đồng thời xuất hiện một số đối tượng kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay, hạ mức xếp hạng của VOV xuống còn 1* (1 sao) trên Google map. Vụ việc gây xôn xao dư luận, nhất là khi Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 đang đến gần.
Điều đáng nói là việc tiến công mạng xảy ra ngay sau khi Báo điện tử VOV vừa đăng tải hai bài viết phản ánh một hiện tượng nổi lên trong thời gian qua liên quan việc lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn lệch chuẩn, công kích và xúc phạm cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng trật tự xã hội. Trong các bài viết đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, luật pháp, báo chí, từ đó đưa ra cái nhìn khách quan, nhiều chiều về một vấn đề đang được dư luận quan tâm. Đây là hoạt động tác nghiệp báo chí thông thường và cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển kéo theo xuất hiện những xu hướng người sử dụng ngày càng có nhiều cách thức thể hiện tiêu cực, phức tạp, đòi hỏi có sự điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên việc làm đúng đắn của một cơ quan báo chí đã bị đáp trả bởi các cuộc tiến công mạng. Một số đối tượng còn công khai lôi kéo, kích động, hướng dẫn cộng đồng mạng cách thức để “đánh sập” Báo điện tử VOV vì đã đăng tải những bài viết mà những người này không đồng tình. Chưa dừng ở đó, một số phóng viên và các nhân vật tham gia phát biểu ý kiến trong hai bài báo trở thành mục tiêu bị thóa mạ, công kích trên mạng xã hội; gia đình, người thân của họ cũng bị liên lụy.
Có thể thấy rằng, sự việc xảy ra là hết sức nghiêm trọng bởi nền tảng kỹ thuật của một cơ quan truyền thông quốc gia đã bị ngang nhiên tiến công. Hoạt động nghề nghiệp của người làm báo và các chuyên gia bị cản trở. Đây được xem là hành vi có tính chất thách thức, coi thường pháp luật, vi phạm Luật An ninh mạng (năm 2018), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Bộ luật Hình sự (năm 2015) và trực tiếp nhất là Luật Báo chí (năm 2016), đòi hỏi phải bị xử lý nghiêm minh. Hiện cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, truy tìm thủ phạm.
Trong khi sự việc tại Báo điện tử VOV chưa kịp lắng xuống thì ngay trong chiều 15-6, một số tờ báo tiếp tục đối mặt với các cuộc tiến công mạng dồn dập. Cụ thể, Báo điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh (plo.vn) cũng bị tiến công DDoS gây nghẽn mạng và tràn băng thông. Trong nhiều giờ, độc giả không thể truy cập được vào trang plo.vn.
Cùng ngày, việc truy cập vào các trang điện tử của Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Thanh niên cũng hết sức khó khăn và thường xuyên bị gián đoạn. Theo đánh giá ban đầu, phương thức các đối tượng sử dụng để tiến công mạng ngày 15-6 với các báo nêu trên tương tự các cuộc tiến công mạng vào Báo điện tử VOV.
Từ sự việc nêu trên đặt ra các vấn đề cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xem xét, giải quyết. Thời gian qua, việc một số đối tượng có hành vi kích động, tiến công mạng cơ quan báo chí và người làm báo bằng nhiều cách thức khác nhau không còn là cá biệt. Nguy cơ tin tặc tiến công các trang báo hay website điện tử có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan báo chí cần chủ động trang bị phương án, hệ thống kỹ thuật và lên kế hoạch ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nếu có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, cần xây dựng một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan để hỗ trợ và bảo vệ an toàn an ninh mạng cho các cơ quan báo chí, cũng như bảo vệ an toàn cho những người làm báo chân chính. Việc xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, cản trở hoạt động báo chí cần nghiêm khắc, có tính răn đe. Với những cá nhân tham gia cổ xúy, tiếp tay cho hành vi tiến công mạng cần phải bị xem xét trách nhiệm căn cứ vào các quy định của pháp luật. Làm tốt được những điều này sẽ góp phần tạo dựng một môi trường an toàn, lành mạnh giúp các cơ quan báo chí mà trực tiếp là đội ngũ phóng viên, các nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình.