Xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ

Vấn đề an toàn vật liệu nổ đã được đặt ra từ lâu, đi cùng với đó là những quy định về an toàn khá chặt chẽ. Nhưng thực tế, việc tàng trữ, mua bán vật liệu nổ vẫn diễn ra khá phổ biến, vì vậy cần sự vào cuộc mạnh mẽ và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân giao nộp. (Ảnh BẢO CHÂU)
Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân giao nộp. (Ảnh BẢO CHÂU)

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình đã triệt phá hai chuyên án lớn liên quan vật liệu nổ, thu giữ hơn một tấn thuốc nổ. Tháng 7 vừa qua, lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình bắt hai đối tượng trú tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang vận chuyển trái phép 124,5kg thuốc nổ. Trước đó, ngày 10/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Lệ Thủy bắt vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ trái phép, thu giữ gần 900kg thuốc nổ. Hai đối tượng là Lê Văn Toản (sinh năm 1976, trú tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy) và Nguyễn Văn Thụ (sinh năm 1975, trú tại xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) đang tổ chức vận chuyển lên xe ô-tô 21 bao tải là thuốc nổ được đóng gói cẩn thận với tổng trọng lượng là 820kg, được thu mua từ tỉnh Quảng Trị và dự định vận chuyển vào các tỉnh phía nam để tiêu thụ. Bên cạnh đó, khi tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện, thu giữ thêm 25kg thuốc nổ, một khẩu súng, 19 viên đạn và nhiều tang vật khác có liên quan.

Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cách thức, thủ đoạn giao hàng của đối tượng mua bán vật liệu nổ rất tinh vi, khó tiếp cận. Đặc biệt, có lúc đối tượng không cất giấu nguồn hàng tại nhà riêng, mà chia thành các bao chôn ở nhiều vị trí bí mật để hòng qua mặt lực lượng chức năng. Do vậy, lực lượng trinh sát của đơn vị phải đeo bám và dùng các biện pháp nghiệp vụ mới phá án thành công. Các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ tại Quảng Bình đều liên quan nhiều đối tượng trong tỉnh và ngoài tỉnh và đều sử dụng vào việc khai thác trái phép thủy sản.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thủ đoạn hoạt động sử dụng chất nổ trên biển chủ yếu là các tàu cá ở các địa phương khác và tàu cá tại các xã bãi ngang làm nghề lưới mành; chủ yếu hoạt động tại vùng biển ven bờ và ban đêm. Do hiểu được hành vi vi phạm nên rất cảnh giác, cất giữ chất nổ tinh vi trên tàu hoặc thả xuống biển có đánh dấu tọa độ để cất giấu; trường hợp vi phạm sẵn sàng phi tang tang vật, vứt xuống biển gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý vi phạm. Nguồn gốc của chất nổ theo điều tra của lực lượng chức năng chủ yếu từ tỉnh Quảng Trị được các đối tượng trong và ngoài địa bàn cấu kết để mua về, sử dụng ô-tô hoặc xe máy để vận chuyển về Quảng Bình và tìm cách tiêu thụ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thanh tra chuyên ngành thủy sản, bộ đội biên phòng không thể bố trí thường trực trên các vùng biển, thiếu nguồn lực, phương tiện, kinh phí trong khi bờ biển dài, vùng biển ven bờ rộng, việc phát hiện, ngăn chặn việc đưa chất nổ từ trên bờ xuống tàu cá gặp nhiều khó khăn...

Thực trạng các vụ việc được phát hiện, bắt giữ tại Quảng Bình trong thời gian gần đây cho thấy việc sử dụng vật liệu nổ chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại trong việc khai thác thủy, hải sản trái phép. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng quân đội, công an, ngành công thương trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý các đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ; quản lý nghiêm ngặt các nguồn vật liệu nổ để không thất thoát ra ngoài. Đồng thời, thực hiện nhiều phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của các loại vật liệu nổ, tích cực vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ...

Hiện nay, để xử lý các hành vi tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và các loại vũ khí thô sơ có thể căn cứ Nghị định số 167/2013/NÐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Ngoài ra, tùy theo mức độ, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của sự việc mà các cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý bằng hình thức xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay các hình thức xử phạt về vấn đề này vẫn chưa đủ mạnh, khiến nhiều người "nhờn luật".

Luật sư HOÀNG VĂN CHIỂN
(Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý, thành phố Hà Nội)