Xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng biển số xe giả

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay để tránh bị phạt nguội, thu phí không dừng tại các tuyến đường cao tốc, đô thị; rất nhiều người đã lắp biển kiểm soát (BKS) giả cho ô-tô. Dịch vụ làm BKS giả cũng mọc lên như nấm sau mưa. Từ những BKS như 68868, 88888, 99999 cho đến những “biển xanh, biển đỏ” của các bộ, ban, ngành,… đều được làm giả rất chuyên nghiệp; khiến dư luận bức xúc, cần xử lý nghiêm theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Lái xe và phương tiện sử dụng biển kiểm soát giả tại cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh NGỌC QUYẾT)
Lái xe và phương tiện sử dụng biển kiểm soát giả tại cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh NGỌC QUYẾT)

Vừa qua, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, xử lý vi phạm đối với xe ô-tô gắn BKS 30G-688.68 chạy hướng Ðông Triều-Uông Bí có hành vi vi phạm chạy quá tốc độ quy định, gắn BKS không đúng với đăng ký xe, không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông… Qua kiểm tra, lái xe NVT (SN 1984, trú huyện Yên Phong, Bắc Ninh) khai nhận xe gắn BKS 30G-688.68 thực tế có BKS là 14A-509.48 do Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh cấp. Căn cứ hành vi vi phạm, các cán bộ Phòng CSGT Ðường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Quảng Ninh đã phạt hành chính 17,6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ba tháng và tịch thu BKS 30G-688.68.

Gần đây nhất, anh Tạ Hoàng Huy, ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội không khỏi bức xúc khi bị thông báo “phạt nguội” tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Tuy nhiên vào khoảng thời gian này anh Huy đang đi du lịch nước ngoài và chiếc ô-tô mang BKS 30F xxxxx của anh cũng không di chuyển ra khỏi Hà Nội. Hay như vụ việc hai ô-tô mang BKS giả 38A-999.99 đi cạnh nhau bị người dân tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và chụp ảnh, ghi hình lại là một thí dụ điển hình… Ðây chỉ là ba trong số rất nhiều trường hợp sử dụng BKS giả hoặc làm mờ, che bớt biển số khi tham gia giao thông, gây bức xúc dư luận xã hội.

Qua tìm hiểu, thời gian gần đây rộ lên hiện tượng các phương tiện ô-tô, xe máy gắn BKS giả; chỉnh sửa, che, làm mờ biển số nhằm tránh bị “phạt nguội” khi vi phạm hoặc tránh việc thu phí không dừng ETC tại các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, hành vi sử dụng BKS giả của các chủ phương tiện xuất phát từ nhiều mục đích như đang chờ được cấp BKS mới cho nên gắn biển số giả để tạm thời lưu thông; gắn biển số với dãy số đẹp chỉ để cho oai. Một số đối tượng lại sử dụng BKS giả để che giấu hành vi phạm tội...

Lướt một vòng trên mạng, có thể dễ dàng tìm được hàng loạt fanpage, hội nhóm… đăng tải dịch vụ làm biển số xe máy, ô-tô giả với những lời quảng cáo bùi tai như “nhận làm tất cả các loại biển số phong thủy theo yêu cầu”, “làm bộ biển lật giá đẹp, trợ giá tốt nhất”, “bao đẹp, bao chuẩn như biển số thật” được rao bán từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một BKS. Theo H “trọc”, một dân anh chị chuyên đua xe trái phép ở Hà Nội thì với công nghệ làm biển số giả như hiện nay, các công đoạn dập nổi con số, công an hiệu, lớp phản quang, quốc huy… đều được làm giả rất tinh vi, khó phát hiện. Nếu muốn mua BKS giả có thể tìm đến các cửa hàng sửa chữa, dán xe máy trên các phố Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, ở Hà Nội…

Trao đổi với Ðại tá Vũ Minh Ðức, Trưởng phòng CSGT Ðường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Quảng Ninh, BKS cơ giới được cơ quan công an cấp khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký xe. BKS có in chữ, các số mang thông tin về loại xe, địa phương đăng ký xe và thứ tự xe đăng ký. Khi tra cứu thông tin về BKS có thể xác định được thông tin về xe và chủ xe... Về hành vi gắn biển số giả tưởng chừng như đơn giản và xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ðặc biệt, các phương tiện gắn biển số giả sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra, phòng, chống tội phạm, truy tìm tài sản bị trộm cắp. Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hệ thống xử lý vi phạm giao thông bằng camera hay còn gọi là “phạt nguội”, đang được triển khai rộng khắp cho nên các phương tiện gắn biển số giả sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống này, gây khó khăn trong truy vết và xử phạt hành vi vi phạm.

Lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an vừa có văn bản chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các mặt công tác trong đăng ký, quản lý lưu hành phương tiện giao thông đường bộ; chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất BKS cho công an các đơn vị, địa phương; phối hợp công an cấp cơ sở, các lực lượng nghiệp vụ xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán BKS trái phép.

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; đăng ký xe; điều tra giải quyết tai nạn giao thông; lực lượng CSGT sẽ đối chiếu cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn quản lý,... để phát hiện trường hợp phương tiện ô-tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp; các trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị “thay đổi” BKS; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng... Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, các cán bộ CSGT chủ động điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, lực lượng CSGT cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích người dân phát hiện và lên án các hành vi sử dụng BKS không đúng quy định. Người dân cần nghiêm túc thực hiện việc đăng ký sang tên phương tiện theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...

Nghị định 123/NÐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/NÐ-CP của Chính phủ) đã nâng mức xử phạt hành vi này lên gấp nhiều lần. Cụ thể, xử phạt chủ phương tiện ô-tô có hành vi lắp đặt sai, sửa đổi biển số xe từ 4-6 triệu đồng với cá nhân và 8-12 triệu đồng với tổ chức, doanh nghiệp. Nếu gắn biển số giả bị phạt từ 6-8 triệu đồng với cá nhân và 12-16 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp; hoặc bị phạt tiền theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Ngoài ra, người sản xuất BKS giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư LÃ THỊ ÁNH (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Theo Thông tư 15/2022/TT-BCA ngày 6/4/2022 của Bộ Công an, từ ngày 21/5/2022, cơ quan công an gửi giấy “phạt nguội” về địa chỉ cư trú của chủ phương tiện giao thông để người vi phạm có thể lên công an xã, phường, quận, huyện hoặc lực lượng CSGT để giải quyết. Quá trình làm việc, người vi phạm được xem lại hình ảnh vi phạm, phân tích lỗi vi phạm, xác định rõ phương tiện vi phạm thì mới xử lý. Khi nhận được thông báo “phạt nguội”, nếu người dân nghi ngờ bị xử phạt nhầm, chủ phương tiện có thể liên hệ cơ quan công an để cung cấp chứng cứ, hồ sơ,… để chứng minh không vi phạm.

LÊ THÀNH CUNG, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh