Xử lý nghiêm hành vi che biển kiểm soát phương tiện khi tham gia giao thông

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng người điều khiển ô-tô, mô-tô dùng băng dính, sơn trắng, bôi bùn đất, khẩu trang,… để che biển kiểm soát (BKS) khi tham giao thông. Hành vi vi phạm pháp luật này được thực hiện nhằm mục đích tránh các ca-mê-ra giám sát giao thông ghi hình để “phạt nguội”. Thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng biện pháp này như là thủ đoạn để che giấu tung tích phương tiện khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới người dân. Ảnh: NGUYỄN DUY
Cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới người dân. Ảnh: NGUYỄN DUY

Vừa qua, trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn  qua tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) trong lúc tuần tra lưu động đã phát hiện một xe bán tải dùng băng dính che kín BKS. Trước hành vi vi phạm này, các cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát loa thông báo và yêu cầu lái xe dừng xe để xử lý. Bước đầu lái xe khai nhận cố tình che BKS của xe để không bị “phạt nguội”. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 900 nghìn đồng và tạm giữ giấy phép lái xe trong bảy ngày. 

Qua tìm hiểu, hiện nay việc xử lý hành vi che BKS phương tiện giao thông vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi người điều khiển phương tiện thường phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngược chiều, sai làn đường... Nếu xảy ra tai nạn, lực lượng CSGT mất rất nhiều thời gian, công sức xác minh, thu thập tư liệu hiện trường. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định các loại xe ô-tô, mô-tô,… khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn BKS do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện không gắn đủ hoặc gắn BKS xe không đúng vị trí; BKS không rõ chữ, số; BKS bị bẻ cong, bị che lấp hoặc bị hỏng. Đằng sau những hành vi che BKS, đang dấy lên một hiện tượng chủ xe cố tình thay đổi thông tin BKS xe, né tránh “phạt nguội” hoặc có những mục đích khác. Cùng với việc ứng dụng “phạt nguội” thông qua ca-mê-ra ghi hình trên các tuyến đường ngày càng nhiều thì tình trạng che BKS xe cũng gia tăng. Nếu các cơ quan chức năng không có những giải pháp phù hợp, kịp thời thì việc xử lý các vi phạm này sẽ trở nên phức tạp hơn. 

Trao đổi với đồng chí Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chúng tôi được biết, Luật Giao thông đường bộ đã quy định các phương tiện ô-tô, mô-tô,… khi tham gia giao thông phải có BKS rõ ràng để phục vụ mục đích quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là “phạt nguội”. Việc làm này nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân, sự thông suốt, hiệu quả của hoạt động giao thông vận tải giúp phát triển kinh tế - xã hội. Nếu lực lượng chức năng phát hiện người lái xe để BKS mờ đến mức không nhìn rõ ký tự, số thì mức phạt cho hành vi này chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng là rất thấp, cần xử phạt ở mức từ sáu triệu đến tám triệu đồng. Trường hợp người lái xe dùng bất cứ vật gì để che BKS xe thì là hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Đối với hành vi vi phạm này mức xử phạt cần cao hơn rất nhiều (từ 16 triệu đến 18 triệu đồng). Nếu người điều khiển phương tiện tái phạm lỗi cố tình che BKS trong vòng từ 1 đến 5 năm thì mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, thậm chí cao hơn nữa... Hiện, luật giao thông tại các quốc gia phát triển luôn yêu cầu người lái xe phải bảo đảm BKS của xe sạch sẽ, rõ ràng khi tham gia giao thông. Do vậy, người điều khiển phương tiện không thể lấy bất cứ lý do gì để bao biện cho hành vi vi phạm này.

Cũng theo đồng chí Trần Hữu Minh, để hạn chế và xử lý tốt hành vi này, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, lên án các cá nhân, tổ chức có hành vi cố tình che BKS xe hoặc thay đổi thông tin BKS, cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật để xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Tiếp tục bổ sung các trang thiết bị hiện đại để sớm nhận diện ra hành vi vi phạm này. Lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra trên các tuyến đường và dùng ca-mê-ra trên xe tuần tra để ghi lại các hành vi vi phạm; đồng thời, ban hành quy định đối với từng hành vi che tất cả hay che một phần BKS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông… Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên thì chắc chắn sẽ kéo giảm những vi phạm này.

Về việc này, theo Luật sư Bùi Đình Bản (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ để   xử lý đối với các hành vi này là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, theo điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định này, hành vi điều khiển xe ô-tô không gắn đủ BKS hoặc gắn BKS không đúng vị trí; gắn BKS không rõ chữ, số; gắn BKS bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi mầu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định quy định thì phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô-tô, xe gắn máy gắn BKS không đúng quy định, không rõ chữ, số, bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng hoặc thay đổi mầu sắc của chữ và số, nền BKS…

Để bảo đảm ATGT cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông, bản thân người điều khiển các phương tiện ô-tô, xe máy,… phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc lắp đầy đủ BKS xe. Nếu người điều khiển các phương tiện giao thông cố tình che, làm mờ, làm bẩn hoặc không lắp BKS xe nhằm tránh bị ghi hình “phạt nguội” thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại tá NGUYỄN ĐẮC LONG 

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai

“Hiện, mức xử phạt hành vi che, làm mờ hoặc không lắp BKS xe đối với người tham gia giao thông vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi đây không chỉ là hành vi gian dối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình quản lý phương tiện mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy định xử phạt bổ sung, thậm chí tịch thu phương tiện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm nhiều lần”.

NGUYỄN PHƯƠNG LINH (Quận Ba Đình, TP Hà Nội)