Xử lý nghiêm hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm

Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm trái phép ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, liên quốc gia, ngày càng tinh vi.
0:00 / 0:00
0:00
Các đối tượng có hành vi tàng trữ, giết mổ cá thể hổ bị cơ quan Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) bắt giữ. (Ảnh: XUÂN TƯ)
Các đối tượng có hành vi tàng trữ, giết mổ cá thể hổ bị cơ quan Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) bắt giữ. (Ảnh: XUÂN TƯ)

Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế của nước ta về bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau, như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh hay đồ trang sức.

Ngày 12/7/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bốn đối tượng với tổng mức án 18 năm tù về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 984kg vảy tê tê. Giá trị tang vật ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Tê tê bụng trắng (Manis tricuspis) là loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Vảy của loài tê tê bụng trắng là hàng cấm theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Bùi Thị Hà cho biết, đây không chỉ là vụ án liên quan đến vảy tê tê bị thu giữ lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn là một trong những vụ vi phạm về động vật hoang dã có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận trong nội địa Việt Nam thời gian qua. Vụ án đã hé mở đường dây buôn bán, vận chuyển vảy tê tê xuyên quốc gia với phương thức hoạt động hết sức tinh vi.

Mới đây, Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Tài (tạm trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) vì liên quan đường dây buôn lậu sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê... từ các nước châu Phi về Việt Nam. Tổng số tang vật thu được trong vụ án là 138,784kg sừng tê giác, 3.108kg xương sư tử, 456,9kg ngà voi, 6.232kg vảy tê tê, với tổng trị giá tang vật khoảng 300 tỷ đồng. Đây là một trong những vụ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, bắt giữ tại Đà Nẵng. Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn, sử dụng giấy chứng minh nhân dân của nhiều người lập ra nhiều công ty, lấy trụ sở ảo, không biển hiệu, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng có hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa.

Theo nhận định của các chuyên gia tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã quý hiếm ở nước ta có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp hơn, bởi không gian mạng đang trở thành môi trường lý tưởng để các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, riêng năm 2021 đã ghi nhận khoảng 2.500 vi phạm buôn bán động vật hoang dã trên internet, tăng khoảng 41% so với năm 2020. Bên cạnh những động vật hoang dã như rái cá, mèo rừng, các loài bò sát, thì ngà voi, nanh gấu, thịt thú rừng... vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Vì các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép sử dụng danh tính “ảo”, các thông tin đăng tải có thể thay đổi và xóa bỏ rất nhanh, cho nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Tổng cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong phòng, chống và xử lý hành vi vi phạm về động vật hoang dã, tuy nhiên, một số vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đã ảnh hưởng một phần kết quả thu được. Trong thực tế, đối tượng vi phạm thường có phương tiện tốt, thiết bị liên lạc hiện đại, hoạt động theo đường dây, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về điều kiện nuôi nhốt động vật hoang dã, bảo quản tang vật, cứu hộ, chăm sóc và tái thả về tự nhiên... Tuy nhiên, điều kiện lưu giữ tại nhiều nơi không bảo đảm, có thể khiến các cá thể hoang dã bị chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Để quyết liệt đấu tranh xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép ở nước ta, bảo vệ tài nguyên quý hiếm, thực hiện các cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Gần đây, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim di cư, đặc biệt là vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm cũng là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.

Giữa tháng 6/2022, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khởi động “Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp” nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam. “Việc thực hiện hiệu quả Dự án sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết.