Xử lý dứt điểm tình trạng tàng trữ súng trái phép

Tại Bắc Kạn, vụ việc một người dân tại huyện Chợ Mới dùng súng bắn người, hậu quả làm hai người chết gây xôn xao dư luận hồi cuối tháng 2 vừa qua. 

Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) tiêu hủy súng do người dân giao nộp.
Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) tiêu hủy súng do người dân giao nộp.

Đây không phải lần đầu xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan sử dụng vũ khí trái phép, do vậy, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong vận động nhân dân giao nộp súng săn, súng tự chế các loại.

Vào hồi 16 giờ ngày 26/2, tại thôn Chúa Lải (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), ông Nguyễn Đình Thắng, sinh năm 1960, dùng súng tự chế bắn con dâu là Lự Thị Xuân, sinh năm 1995. Sau khi chị Xuân chết tại chỗ, ông Thắng dùng súng bắn vào bụng tự sát. Theo lời khai của vợ và con trai ông Thắng thì gia đình biết ông có khẩu súng tự chế, nhưng không rõ ông cất giấu ở đâu.

Đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ án mạng liên quan súng săn, súng tự chế tại huyện Chợ Mới.

Trước đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 21/2/2019, trong lúc chơi bài, xảy ra mâu thuẫn, Hà Duy Tuyết (sinh năm 1960, trú tại thôn Cao Thanh, xã Nông Hạ) dùng súng săn tự chế bắn ông Vũ Ðình Bảy (sinh năm 1972, trú cùng thôn) khiến ông Bảy bị thương ở bả vai. Sau đó, Tuyết chạy qua nhà em rể là Hà Văn Thọ (sinh năm 1973, trú cùng thôn), dùng súng bắn vào người Thọ, khiến người này chết trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây án, Hà Duy Tuyết ra đầu thú. Nguyên nhân là do Tuyết đang có mâu thuẫn với Thọ về quyền sử dụng đất của gia đình.

Từ năm 2011 đến 2022, ở tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra khoảng 20 vụ việc do sử dụng súng tự chế, trong đó, nhiều vụ dùng súng giết người; dùng súng săn tự sát; hoặc bị cướp cò, bắn nhầm người khác khi đi săn, làm chết và bị thương nhiều người. Để ngăn chặn hiểm họa từ súng tự chế, từ năm 2004, Bắc Kạn ban hành Chỉ thị về "Vận động nhân dân giao nộp vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, súng săn, công cụ săn bắn động vật". Ðến năm 2011, tỉnh đã vận động nhân dân giao nộp được hơn 10 nghìn khẩu súng các loại, trong đó phần lớn là súng săn tự chế. Toàn bộ số súng này đã được tiêu hủy theo quy định. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; từ năm 2012 đến 2019, Bắc Kạn tiếp tục vận động nhân dân giao nộp, kiểm tra, thu giữ thêm gần 2.000 khẩu súng săn tự chế, súng trường.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2022, Công an tỉnh Bắc Kạn đã vận động nhân dân giao nộp và thu hồi được 938 khẩu súng các loại; hơn 17 kg thuốc nổ và 227 linh kiện chế tạo súng. Lực lượng công an cũng phát hiện, xử lý 76 vụ việc liên quan sử dụng, tàng trữ súng trái phép với 79 đối tượng. Trong đó, có chín vụ mua bán trái phép súng; ba vụ giết người; một vụ cố ý gây thương tích; hai vụ gây rối trật tự công cộng; 12 vụ vận chuyển súng trái phép; bốn vụ tàng trữ súng trái phép...

Để xử lý hiệu quả tình trạng tàng trữ, sử dụng, mua bán vận chuyển trái phép súng, vật liệu nổ, thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật; tổ chức ký cam kết, vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức 1.465 buổi tuyên truyền ở các thôn, bản vùng cao với 83.512 lượt người tham gia.

Tuy nhiên, việc vẫn còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra có liên quan hành vi sử dụng súng trái phép cho thấy, kết quả vận động giao nộp, thu hồi súng ở Bắc Kạn vẫn chưa triệt để. Nguyên nhân là do tập quán, thói quen sử dụng súng săn để săn bắn động vật hoang dã của đồng bào dân tộc thiểu số cho nên một số người dân còn cất giấu súng săn ở lán trên nương rẫy, trong hang đá, trong rừng và ở những vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với tỉnh bạn. Một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý, sử dụng và bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị. Công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc chưa thường xuyên.

Đáng chú ý, ngoài súng các loại thì thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số người dân thường xuyên lên các trang mạng xã hội đặt mua các linh kiện của súng bắn đạn bi về tự lắp ráp thành súng và ná bắn đạn bi sắt. Các loại vũ khí này cũng hết sức nguy hiểm, có thể gây chết người nếu bị bắn trúng. Việc mua bán được chia thành nhiều gói bưu kiện, gửi thành nhiều lần nên cơ quan chức năng khó phát hiện, thu giữ.

Trung tá Đinh Trung Tình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý trật tự hành chính (Công an tỉnh Bắc Kạn) kiến nghị, cần nâng mức xử phạt các hành vi tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép súng, công cụ hỗ trợ để tăng tính răn đe, tạo hiệu quả hơn trong công tác vận động giao nộp, thu hồi. Trong năm 2022, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời đề nghị kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm phát hiện sơ hở, thiếu sót để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.