Xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm đất trái phép

Người dân tỉnh Kiên Giang phản ánh về việc dù họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn bị người khác ngang nhiên đến lấn chiếm và xây dựng trái phép. Nhiều người đã đến các cơ quan chức năng trình bày, gửi đơn khiếu nại, phản ánh, tố giác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Đất Nhà nước quản lý ở đầm Đông Hồ bị nhiều người lấn chiếm.
Đất Nhà nước quản lý ở đầm Đông Hồ bị nhiều người lấn chiếm.

Đất dân, đất công bị lấn chiếm

Vợ chồng ông Trần Quốc Tuấn và bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ có tổng diện tích đất 17.461m2 hợp pháp, tại khu phố 3, phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, hơn ba năm qua bị L.T.G và L.V.H ngang nhiên lấn chiếm. G và H còn cho xây dựng bốn căn nhà trái phép trên phần đất nêu trên. Người thân của G vào sinh sống trên phần đất của ông Tuấn, bà Lệ mà không trả lại. Từ năm 2020 đến nay, ông Tuấn, bà Lệ mòn mỏi mong nhận lại đất.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghiệp và vợ, con ở phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang mua bốn thửa đất tổng diện tích 113.723,4m2 đất ở ấp Song Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nghiệp canh tác trên phần đất này hơn 13 năm qua. Do nhà ở xa, phần vì bệnh, ông cho người khác thuê với giá 120 triệu đồng/năm và cất một nhà tạm, thuê người trông coi. Nhưng, năm 2017, bà N.T.K.H và chồng là N.V.N (đối diện đất ông Nghiệp) bao chiếm một trong bốn thửa đất của ông Nghiệp, rồi bao chiếm toàn bộ mặt tiền.

Đến ngày 28/4/2020, UBND xã Bình Trị hòa giải, khẳng định đất thuộc chủ quyền của ông Nghiệp và vận động vợ chồng bà H trả lại phần đất đã lấn chiếm. Nhưng vợ chồng bà H vẫn lấn chiếm, ngăn cản không cho ông Nghiệp sản xuất trên chính phần đất của mình. Không những vậy, còn xây dựng bảy căn nhà trên phần đất lấn chiếm và trên hành lang lộ giới do Nhà nước quản lý.

Ngoài các vụ việc lấn chiếm đất có chủ quyền, xây dựng trái phép tại thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương thì đất do Nhà nước quản lý ở thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên cũng bị “xẻ thịt”, xây dựng trái phép, gây nhiều khó khăn trong công tác thu hồi sau này.

Đáng chú ý đến nay, việc cưỡng chế vụ 79 căn biệt thự xây trái phép trên đất công ở thành phố Phú Quốc vẫn chưa triệt để. Còn đầm Đông Hồ, thành phố Hà Tiên có diện tích hơn 1.384 ha bị nhiều người vào lấn chiếm, “băm nát” rừng dừa nước, “xí phần” để hình thành nhiều vuông tôm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên Mai Quốc Thắng cho biết: Hiện nay, nhiều diện tích đất ở đầm Đông Hồ bị một nhóm người lấn chiếm. Khi cán bộ phường đến kiểm tra, đo đạc thì bị họ ngăn cản, chống đối. Tình trạng nêu trên xảy ra cao điểm từ năm 2018 đến nay nhưng chính quyền chưa xử lý, cưỡng chế được ai mà chỉ lập biên bản hiện trạng.

Mòn mỏi khiếu nại đòi đất

Bức xúc trước hành vi ngang nhiên lấn chiếm đất, ông Nguyễn Văn Nghiệp, ông Trần Quốc Tuấn phản ánh, khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên và các cơ quan cấp tỉnh. Tuy nhiên, hơn ba năm qua, ông Trần Quốc Tuấn vẫn chưa nhận lại phần đất bị lấn chiếm; ông Nguyễn Văn Nghiệp hơn 5 năm qua vẫn mòn mỏi đòi lại đất để triển khai dự án nuôi cá mình ấp ủ.

Từ tháng 11/2023 đến nay, bà N.T.K.H dùng lưới B40 rào toàn bộ mặt tiền đất của ông Nguyễn Văn Nghiệp. Đáng nói hơn, bà H còn hai lần khóa cửa nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vang (người trông coi đất ông Nghiệp), làm cho cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng cho biết, ông Nghiệp không trực tiếp đến Ủy ban nhân dân xã Bình Trị giải quyết. Tuy nhiên thực tế, rất nhiều lần ông Nghiệp từ tỉnh An Giang đến trình báo, nhưng cán bộ, công an xã Bình Trị đến rồi lại về, giải quyết theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, không có biện pháp xử lý dứt điểm hành vi bao chiếm của bà H.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ra các văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên, Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương và ngành dọc để phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm khiếu nại, tố cáo của hai ông Nguyễn Văn Nghiệp, Trần Quốc Tuấn. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, kết quả xử lý đơn cho thấy các khiếu nại, tố cáo này đều không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nên đã giao, chuyển cho các cơ quan, địa phương xem xét theo thẩm quyền hoặc lưu đơn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình khẳng định, nếu chính quyền cơ sở làm đúng luật thì đất đai sẽ ổn, không còn lấn chiếm đất công như hiện nay. Cơ quan này có nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc lấn chiếm trái phép đất công lẫn đất của người dân tại các địa phương. Dù các vụ việc được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chuyển đơn về các địa phương xử lý, nhưng nhiều vụ chưa được giải quyết dứt điểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp thành phố Hà Tiên xây dựng kế hoạch đo đạc hiện trạng đất đầm Đông Hồ bị lấn chiếm để có phương án đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý. Những năm qua, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ra văn bản chấn chỉnh công tác quản lý. Tuy nhiên, đầu năm đến nay tình hình chưa ổn cho nên Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện rà soát tất cả trường hợp đất công bị lấn chiếm, lấn chiếm trái phép và phương án xử lý ra sao, gắn với trách nhiệm từng địa phương.

Đến nay, còn 144 xã, phường, thị trấn vẫn chưa báo cáo đầy đủ hết. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, chỗ nào chưa có sơ đồ, bản đồ hay tọa độ đất thì Sở sẽ hỗ trợ. Do các địa phương chưa báo cáo hết cho nên từ nay đến cuối năm Sở vẫn phải chờ để có hướng xử lý nhằm quản lý đất công chặt chẽ. Ông Phùng Quốc Bình cũng cho biết: Đối với vụ việc ở Phú Quốc, các đoàn thanh tra của tỉnh đang làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cán bộ; còn vụ đầm Đông Hồ, lực lượng chức năng đang khẩn trương vào cuộc xử lý. Sau kết luận vụ việc mới xác định được trách nhiệm của cán bộ đến đâu.