Xu hướng trái chiều của kinh tế thế giới

Với GDP tăng 8,2% trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, Ấn Độ củng cố vị thế là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bên trong nhà máy sản xuất máy biến áp điện ở Ấn Độ. (Ảnh REUTERS)
Bên trong nhà máy sản xuất máy biến áp điện ở Ấn Độ. (Ảnh REUTERS)

Bộ Thống kê và Thực thi chương trình Ấn Độ (MOSPI) cho biết, mức tăng trưởng nêu trên vượt dự báo 7,6% của Chính phủ Ấn Độ. Các nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm tài khóa 2024.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế châu Phi, do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) công bố, khu vực Đông Phi đang trên đà vượt Tây Phi để trở thành khu vực phát triển nhanh nhất lục địa này. Các nền kinh tế Đông Phi được dự đoán tăng trưởng 4,9% năm 2024, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng 1,5% của năm ngoái; tăng trưởng 5,7% trong năm tới. Tuy nhiên, AfDB đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Phi vẫn chậm để có thể tạo ra sự chuyển biến.

Trong khi đó, mức sống của người dân Anh ở vị trí cuối bảng xếp hạng của các nước phát triển, do tăng trưởng tiền lương không đủ bù đắp tác động của mức thuế và thế chấp cao. Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) của Anh so sánh số liệu trong các giai đoạn 2009-2010 và 2022-2023 cho thấy, thu nhập khả dụng trung bình của người lao động Anh chỉ tăng 6%, dù tốc độ tăng trưởng việc làm cao và thuế đối với người thu nhập trung bình giảm đáng kể.

Ngày 31/5, Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AA còn AA- và đây là lần đầu từ năm 2013, S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU). Lý do là thâm hụt ngân sách của Pháp được dự báo ở mức hơn 3% GDP vào năm 2027. Nợ công cũng có thể tăng lên 112% GDP, từ khoảng 109% vào năm 2023. Chính phủ Pháp đặt cắt giảm thâm hụt công xuống dưới 3% GDP.