Theo thống kê, kể từ năm 1996 đến hết năm 2022, có khoảng 6.550 thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam.
Còn trong 10 tháng năm 2023, có hơn 260 thương vụ M&A với tổng trị giá 4,4 tỷ USD, giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang áp đảo thị trường M&A tại Việt Nam.
Đây có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc.
Xu hướng mới trên thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
Đề cập đến xu hướng thị trường M&A tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trường đại học RMIT, thị trường M&A tiếp tục diễn ra tích cực và sôi động, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm ưu thế.
Nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài như nông nghiệp, thực phẩm, với nền tảng cơ bản của nền kinh tế-sản xuất và phân phối thực phẩm.
Nhà đầu tư cũng muốn “chốt” thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ (bất động sản, xây dựng).
Đáng chú ý, do đồng yên đang mất giá nên các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng tìm cách “mang tiền đi đầu tư nước ngoài”, trong đó có thị trường Việt Nam vẫn là lựa chọn tốt hơn.
Quang cảnh hội thảo xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. |
Tuy nhiên, để tạo môi trường thông thoáng cho thị trường M&A, cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kiến nghị các cơ quan hữu quan cần tạo môi trường chính sách thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn, tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất cho một thương vụ mua bán, sáp nhập.
Đối với các doanh nghiệp, cần lưu ý đến xu thế lớn về ESG (môi trường-xã hội-quản trị) sẽ ngày càng tăng cao hơn, là yếu tố chính yếu thúc đẩy các thương vụ M&A trong tương lai. Mỗi năm, tối thiểu 2/5 thương vụ yêu cầu có ESG trong quá trình thẩm định.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng, nhu cầu gọi vốn của Việt Nam là rất lớn để đầu tư kinh doanh, mở rộng cơ hội đầu tư.
Do đó, Việt Nam cần khuôn khổ chính sách vĩ mô để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, cũng như trong nước một cách thuận lợi hơn nữa.
“Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ bên ngoài là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần, nhưng cái cần hơn là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết.