Triển vọng thị trường mua bán, sáp nhập

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) toàn cầu “hạ nhiệt” trong năm 2023 và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, triển vọng thị trường được dự báo sẽ dần tốt lên trong năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống bán lẻ Winmart. (Ảnh: Ánh Dương)
Hệ thống bán lẻ Winmart. (Ảnh: Ánh Dương)

Từ mức giao dịch hơn 10 tỷ USD và 6,8 tỷ USD đạt được trong các năm 2021 và 2022, giá trị giao dịch của các thương vụ mua bán, sáp nhập trong mười tháng năm nay chỉ đạt mức hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so cùng kỳ. Y tế, tài chính, bất động sản vẫn là những lĩnh vực có giao dịch sôi động nhất, nhưng diễn biến thị trường đã thay đổi theo xu thế bên mua không còn được dẫn dắt bởi doanh nghiệp trong nước, vị thế áp đảo đang thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều dự báo đều lạc quan tin tưởng triển vọng thị trường đầu tư nói chung và thị trường M&A của Việt Nam trong năm tới, nhờ vào lợi thế ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, quy mô thị trường tiêu dùng nội địa tăng nhanh.

Từ mức giao dịch hơn 10 tỷ USD và 6,8 tỷ USD đạt được trong các năm 2021 và 2022, giá trị giao dịch của các thương vụ mua bán, sáp nhập trong mười tháng năm nay chỉ đạt mức hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so cùng kỳ.

Đáng lưu ý, trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; thực thi nhiều chính sách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thiết lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh,...

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế của Việt Nam cũng đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo... Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6,0-6,5%, như Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua.

Hơn nữa, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực “biến nguy thành cơ” bằng các giải pháp xây dựng lại chiến lược phát triển, tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Trong quá trình đó, M&A là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm tiến tới một kế hoạch lớn hơn.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội những năm tiếp theo, Chính phủ đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, theo đó, công tác xây dựng quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh, việc hoàn thiện thể chế, chính sách cũng đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Đây là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục là địa chỉ kết nối hữu hiệu của các nhà đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn qua kênh M&A trong thời gian tới.