"Phá băng" thị trường M&A Việt Nam

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu đang hạ nhiệt, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các nhà đầu tư chọn chuyển hướng sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng vẫn sẽ hút các thương vụ M&A.
Dự kiến lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng vẫn sẽ hút các thương vụ M&A.

Ai chi phối các thương vụ "khủng"?

Trước thềm Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 (diễn ra vào ngày 28/11/2023), một thương vụ M&A trong lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng bất ngờ được công bố. Đó là Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy).

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng New Viet Dairy là nhà nhập khẩu, phân phối nguyên liệu sữa, các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam (chiếm hơn 40% thị phần) với các nhãn hiệu Heinz, Paysan Breton, Tatua, Even, Fromagio, Daisy,… Công ty cũng cung cấp sản phẩm mang nhãn hàng riêng là phô mai Bottega Zelachi.

Trong khi đó, Sojitz Corporation là tập đoàn thương mại toàn cầu và là một trong những tập đoàn Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam sớm nhất, từ năm 1986. Trong lĩnh vực phân phối thực phẩm, Sojitz đã trực tiếp tham gia đầu tư kinh doanh thông qua điều hành các công ty sản xuất như Công ty TNHH Japan Best Foods; công ty phân phối như Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Hương Thủy, Công ty cổ phần Đất Mới Việt Nhật; và doanh nghiệp bán lẻ Công ty TNHH MINISTOP Việt Nam.

Sojitz cũng đang hợp tác với Vinamilk và Vilico đầu tư cơ sở chăn nuôi-chế biến-phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Thông qua việc mua lại New Viet Dairy, Sojitz tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư tại Việt Nam. Sojitz khẳng định, sẽ tận dụng mạng lưới khách hàng của New Viet Dairy và Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ sản xuất Hương Thủy để thành lập một doanh nghiệp phân phối thực phẩm bán buôn trên diện rộng, cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng từ trung cấp đến các khách sạn, nhà hàng cao cấp.

Sojitz cũng sẽ tận dụng mạng lưới bán hàng của New Viet Dairy để thúc đẩy việc bán hải sản của Công ty TNHH MF Việt Nam, trực thuộc công ty con của Sojitz là The Marine Foods Corporation.

Sojitz nhấn mạnh, với sự gia tăng của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu, thị trường sản phẩm sữa Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm hơn 8%.

Trong bối cảnh M&A ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đang bị giảm tốc do điều kiện kinh tế vĩ mô bất lợi, thương vụ trên đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng, cho thấy triển vọng hấp dẫn của ngành tiêu dùng trong nước. Trước đó, ngành tiêu dùng không thiết yếu cũng chứng kiến một thương vụ lớn được thực hiện ở mức 200 triệu USD, khi nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, Bain Capital, đầu tư vào Tập đoàn Masan trong động thái đầu tiên của họ tại Việt Nam.

Thực tế, thời gian vừa qua, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chi phối các thương vụ "khủng". Trong đó, thương vụ lớn nhất của năm cho đến nay là việc SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi trước đó đã mua FE Credit, một công ty tài chính tiêu dùng, cũng từ ngân hàng này vào năm 2021. Giao dịch VPBank cũng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam:

"Chúng tôi lạc quan đánh giá bất động sản sẽ là ngành có những tiềm năng về hoạt động M&A năm 2024. Ngoài ra, hiện có xu hướng các tập đoàn tài chính vào Việt Nam để tìm những bất động sản mang tính chất đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn với kỳ vọng vào tỷ suất sinh lợi. Nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land thường muốn mua công ty sạch, sở hữu một dự án riêng lẻ và không bị vướng với các dự án khác trong công ty đó, nên khi nhận chuyển nhượng cổ phần, dự án đó sẽ được chuyển giao cho đơn vị đầu tư mới.

Ngành y tế cũng đã có thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2023 khi Tập đoàn Thomson, một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân lớn nhất Singapore, chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV. Bước đi này đánh dấu Tập đoàn Thomson lần đầu tiến vào Việt Nam, một thị trường y tế đầy hứa hẹn với dân số già hóa và thu nhập đang tăng.

Những lĩnh vực sẽ hút vốn đầu tư

Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.

Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy sự ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong tám năm qua. Theo số liệu từ Deloitte (tính đến ngày 15/11/2023), các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có ba thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10 tháng 15 ngày năm 2023.

Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết. Hiện, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nhiều chủ trương nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024. Dự báo, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động M&A mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Ông Ivan Alver, Ðồng sáng lập Global M&A Partners, kiêm Ðối tác Saga Corporate Finance (Na Uy):

"Dòng vốn Âu - Mỹ hiện có tín hiệu tích cực khi chọn đổ vào Việt Nam với lợi thế chính trị ổn định, sức tiêu dùng đang tăng trưởng và chi phí nhân công cạnh tranh.Tuy nhiên, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Việc thành lập doanh nghiệp và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam đã thuận lợi nhưng quy trình thoái vốn cần cải thiện và dễ dàng hơn để hấp dẫn giới đầu tư".

Theo TS Lê Minh Phiếu, Giám đốc LMP Lawyers và LMP Capital, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đầy biến động, cùng với những diễn biến chính trị không ngừng thay đổi, xu hướng đầu tư đang dần được định hình.

Nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài. Hiện, nhiều nhà đầu tư ưu tiên quay trở lại các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và thực phẩm, với nền tảng cơ bản của nền kinh tế - sản xuất và phân phối thực phẩm. Tiếp theo là lĩnh vực y tế, bao gồm bệnh viện, dược phẩm và thiết bị y tế. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ khi thị trường Việt Nam đang đi xuống. Điển hình là bất động sản, xây dựng. Bên cạnh đó, những lĩnh vực thu hút được nhà đầu tư cũng thay đổi theo sự biến đổi của tình hình khu vực, như sản xuất công nghiệp, logistics.

Dự báo về thị trường M&A tại Việt Nam vẫn tích cực, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

Bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ Asart cho rằng, những điểm sáng ở Việt Nam khá rõ ràng, khi thị trường đang và sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư đến Việt Nam. Quan trọng là Việt Nam có những chính sách, có những cuộc đối thoại, trao đổi cởi mở chia sẻ để các nhà đầu tư ngoại cũng như nhà đầu tư trong nước hiểu các chính sách của Nhà nước là để phục vụ, hỗ trợ họ và để cùng nhau phát triển.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo.

"Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại", ông Đông khẳng định.

Ông Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu RECOF:

"Tình hình kinh tế Nhật Bản đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư do đồng yên mất giá và các ràng buộc về kinh doanh với cổ đông. Từ đó, việc mang tiền đi đầu tư nước ngoài, như vào Việt Nam, vẫn là lựa chọn tốt hơn. Hiện nay các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh. Họ cũng để mắt đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể, bởi quy mô thị trường này còn nhỏ và chưa có quy định thật sự đầy đủ đối với hoạt động mua lại một công ty đại chúng".