Xu hướng của mở cửa và hội nhập

Niềm hy vọng về một cuộc sống cởi mở hơn và hội nhập thế giới đã được người dân I-ran lựa chọn bằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống H.Ru-ha-ni khi ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới đây. Việc Tổng thống Ru-ha-ni tái đắc cử giúp I-ran duy trì chính sách hợp tác và ôn hòa về cả đối nội và đối ngoại, song những kỳ vọng đưa I-ran phát triển kinh tế và củng cố vị thế trong khu vực là một thách thức không nhỏ trong nhiệm kỳ hai của nhà lãnh đạo này.

Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Ru-ha-ni khẳng định, thông điệp của cử tri I-ran là rất rõ ràng, đó là hội nhập thế giới và nói "không" với chủ nghĩa cực đoan. Ông nhấn mạnh, người dân quốc gia Hồi giáo này muốn được sống trong hòa bình và tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa khẳng định, I-ran sẽ không chấp nhận bị đe dọa, sẽ củng cố nền dân chủ và không phụ thuộc các cường quốc là con đường bảo đảm an ninh quốc gia. Kết quả bầu cử đã định hình chính sách đối nội và đối ngoại trong thời gian tới của I-ran khi nó tác động sâu sắc về mặt kinh tế - xã hội trong nước cũng như quyết định các khuôn khổ quan hệ của I-ran với các nước bạn bè và cả các "đối thủ" trong khu vực. Tổng thống Ru-ha-ni tái đắc cử đồng nghĩa với việc I-ran sẽ tiếp tục mở cửa với phương Tây nhằm tận dụng hiệu quả mọi cơ hội hợp tác để đưa nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi thời kỳ khó khăn và trở lại quỹ đạo phát triển. Ở đây, sức ép từ nền kinh tế trì trệ sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt quốc tế khiến nhiều cử tri I-ran đặt niềm tin vào một người có chính sách ôn hòa hơn là những nhân vật bảo thủ.

Việc Tổng thống Ru-ha-ni tái đắc cử đã nhận được những lời chúc mừng của các nhà lãnh đạo các nước vốn đang hợp tác với I-ran. Ðây sẽ là cơ hội để ông tiếp tục chính sách của mình trong các vấn đề liên quan cuộc khủng hoảng Xy-ri, duy trì cam kết trong thực thi thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với các cường quốc cũng như các thỏa thuận song phương khác. Lời hứa cải thiện sự cô lập ngoại giao của I-ran trong nhiệm kỳ đầu đã được ông Ru-ha-ni hiện thực hóa bằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử, dẫn tới các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ, đưa Tê-hê-ran hội nhập trở lại với thế giới. Tuy nhiên, áp lực của ông trong nhiệm kỳ hai được cho là còn nặng nề hơn khi ông tích cực tỏ ra là một nhà cải cách thực thụ. Những cam kết về cải thiện nhân quyền, tự do báo chí, bình đẳng giới, đem lại các thời cơ kinh tế và mối quan hệ cởi mở hơn với phương Tây đặt Tổng thống Ru-ha-ni trước không ít thách thức khi ông sẽ khó tránh khỏi phải "đương đầu" với những quan điểm bảo thủ trong nước.

Dù là người mở cánh cửa để I-ran đẩy mạnh hợp tác với phương Tây, song Tổng thống H.Ru-ha-ni vẫn đứng trước nhiều khó khăn khi quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo và các nước vùng Vịnh trong khu vực chưa được cải thiện. Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cho rằng, việc Tổng thống Ru-ha-ni đắc cử nhiệm kỳ thứ hai có thể là cơ hội để Tê-hê-ran "cài đặt lại" quan hệ vốn căng thẳng với các nước láng giềng. Trong khi đó, quan hệ giữa I-ran với Mỹ được dự báo sẽ khó khăn hơn dưới thời của Tổng thống Ð.Trăm khi ông Ð.Trăm có quan điểm cứng rắn hơn so với chính quyền tiền nhiệm đối với I-ran. Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa ủng hộ một dự luật về áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran liên quan chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, cũng như những cáo buộc của Oa-sinh-tơn rằng Tê-hê-ran ủng hộ các nhóm tay súng Hồi giáo và chuyển giao vũ khí.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Ru-ha-ni đã bàn đến việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, thậm chí đưa ra cả các biện pháp không liên quan thỏa thuận hạt nhân, song giới phân tích cho rằng, chưa rõ ông Ru-ha-ni sẽ sử dụng "đòn bẩy" nào để thúc đẩy sự thay đổi như vậy. Tuy nhiên, giới quan sát bình luận, với một người theo đuổi chính sách ôn hòa như Tổng thống Ru-ha-ni thì mọi "sự đối đầu" của I-ran với thế giới bên ngoài được cho là sẽ giảm "sức nóng" nhiều hơn so với tình huống nếu như I-ran nằm dưới sự lãnh đạo của một nhân vật theo đường lối bảo thủ cứng rắn.

Xu hướng mở cửa hợp tác ở I-ran sẽ được tiếp tục duy trì trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Ru-ha-ni với kỳ vọng đưa nước này hội nhập hoàn toàn trở lại với thế giới, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và duy trì vị thế của I-ran ở khu vực. Tuy nhiên, dù "mở cửa" đến đâu, ông Ru-ha-ni vẫn phải hành động phù hợp quan điểm mà lâu nay I-ran vẫn khẳng định: Con đường thiết lập an ninh trong khu vực là củng cố nền dân chủ chứ không dựa vào sức mạnh bên ngoài. Tổng thống Ru-ha-ni đang đứng trước nhiệm kỳ thứ hai có nhiều thuận lợi với niềm tin mạnh mẽ vào chính sách "mềm dẻo", song ông cũng đối mặt không ít thách thức trong quá trình hiện thực hóa những cam kết của mình khi tranh cử.

Có thể bạn quan tâm