Xoa dịu nỗi đau da cam

Hơn 63 năm trôi qua, kể từ khi quân đội Mỹ rải chất độc hóa học dioxin (chất độc da cam) xuống miền nam Việt Nam, nỗi đau vẫn từng ngày, từng giờ dày vò lên thể xác và tinh thần của biết bao nạn nhân vô tội.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam.

Anh Trần Văn Vạn, ngụ xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bị khiếm khuyết đôi chân vì là thế hệ thứ hai bị di truyền chất độc da cam từ cha. "Khi sinh ra, hai chân tôi đã teo tóp, không thể chạy nhảy như những đứa trẻ bình thường" - anh Vạn buồn bã cho biết.

Năm 1973, chàng trai 16 tuổi Bùi Văn Quới, ngụ ấp 7 Sáng, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang không tiếc tuổi xuân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kết thúc chiến tranh, ông Quới không biết trong cơ thể mình đang mang hóa chất độc hại, đến khi hai đứa con lần lượt ra đời. Người con trai lớn năm nay 33 tuổi nhưng hoàn toàn vô thức, chân tay teo tóp, dị tật, mọi sinh hoạt đều không thể tự chủ. Người con gái nhỏ có phần đỡ hơn nhưng hằng ngày vẫn phải chống chọi với các di chứng, bệnh tật bởi chất độc da cam.

Ông Quới trải lòng: "Vướng vào nghịch cảnh, vợ chồng tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để bù đắp thiệt thòi cho các con. Hằng ngày, vợ tôi buôn bán ngoài chợ, tôi ở nhà chăm sóc con và đan lọp cua bán kiếm thêm thu nhập. Nhìn con nói cười, quằn quại trong đau đớn tôi buồn lắm, sức khỏe vợ chồng tôi cũng ngày càng yếu dần, không biết con mình sau này sẽ thế nào".

Nỗi niềm của ông Quới, anh Vạn cũng là câu hỏi chưa có lời giải của nhiều gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo thống kê từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có tám huyện bị ảnh hưởng trực tiếp, với 1.199 nạn nhân bị nhiễm chất độc được công nhận và hưởng chính sách; trong đó có 812 nạn nhân ảnh hưởng trực tiếp, 387 người ảnh hưởng gián tiếp; giảm 58 đối tượng so với năm 2023 (do từ trần).

Để xoa dịu nỗi đau da cam, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều hoạt động, chương trình thiết thực. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với vai trò chủ lực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ; chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã vận động hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân da cam.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội còn vận động tặng hơn 4.000 suất quà nhân dịp lễ, Tết, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam; xây mới và sửa chữa sáu căn nhà; tặng thiết bị tập vật lý trị liệu tổng trị giá 48,8 triệu đồng; thăm hỏi, động viên 150 lượt nạn nhân da cam ốm đau, hoạn nạn; trao học bổng "Hạt giống hy vọng" của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trị giá 9 triệu đồng cho ba học sinh là con nạn nhân da cam… Sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực, đầy ý nghĩa của cộng đồng đã tiếp thêm nghị lực giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống.

Dù cuộc sống chịu nhiều thiệt thòi nhưng hiện tại, ông Quới, anh Vạn vẫn lạc quan, vui vẻ vì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, chính quyền, nhà hảo tâm và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang. Ông Quới ngoài được hỗ trợ, thăm hỏi bằng vật chất còn tự đan lọp, lao động kiếm thêm thu nhập. Anh Vạn được thăm hỏi, tặng quà và học nghề. "Hiện vợ chồng tôi có một cơ sở chăm sóc sức khỏe với thu nhập ổn định cùng ba người con được học hành đến nơi đến chốn. Đó là động lực, đòn bẩy giúp tôi phấn đấu vươn lên trong cuộc sống", anh Vạn tâm sự.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Minh cho biết, thời gian qua, Hội đồng hành cùng nạn nhân thông qua việc hỗ trợ nhà ở, vốn phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà... Mặc dù vậy, do phần lớn nạn nhân sống ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng lao động, sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các di chứng, bệnh hiểm nghèo bởi dioxin như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, động kinh, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh… đeo bám dai dẳng, phải chạy chữa thường xuyên làm cho kinh tế gia đình nạn nhân ngày càng kiệt quệ.

"Vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh bị nhiễm chất độc da cam cần được trợ giúp. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam đã tồn tại dai dẳng bấy lâu nay", ông Minh kêu gọi.