Thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TU ngày 1/5/2022 của Tỉnh ủy Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, năm 2022 huyện Quản Bạ cụ thể hóa nghị quyết bằng Đề án số 16. Trước hết, huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện từ huyện đến xã, tạo sự đồng thuận, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai đề án, các địa phương đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm với người có uy tín, nghệ nhân, trưởng dòng họ nhằm nhận diện và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Viên Thị Mai Lan cho biết: Thông qua các buổi tọa đàm, nhận thức người dân đã được thay đổi, nhất là nhận được sự đồng thuận của người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng các dòng họ. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ hủ tục vì họ là những người trực tiếp thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng.
Ông Ma Dâu Páo ở thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân là một trong số ít người ở địa phương giữ được nghề làm khèn H’Mông và cũng là nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng. Mặc dù tuổi cao, nhưng ông luôn bận bịu với công việc làm khèn, rồi truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Giờ đây ông có thêm vai trò mới đó là vận động người dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Ông Ma Dâu Páo chia sẻ: “Đồng bào dân tộc H’Mông giàu truyền thống văn hóa. Tuy nhiên có những hủ tục ăn sâu vào suy nghĩ của người dân qua nhiều thế hệ, rất khó thay đổi. Do đó mình phải chắt lọc, lược bỏ, để người dân vẫn giữ phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang nhưng vẫn phù hợp với nếp sống mới của đồng bào, khu vực”.
Nhờ phát huy vai trò nghệ nhân dân gian và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nên gần hai năm nay, thôn Mỏ Sài đã xóa bỏ được hủ tục trong việc cưới, việc tang như: Người chết đưa vào áo quan; làm ma không quá 48 tiếng đồng hồ; không giết mổ nhiều gia súc, không ăn uống linh đình tốn kém; không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Tại huyện Quản Bạ, 107 thôn, tổ dân phố đã đưa việc xóa bỏ hủ tục vào quy ước, hương ước; thành lập các ban tang lễ để hỗ trợ các hộ gia đình có người chết tổ chức đám tang theo nếp sống mới. Cán bộ xã, thôn bám nắm địa bàn, đến từng hộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng khi gia đình có việc cưới, việc tang. Huyện cũng gắn trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong xóa bỏ hủ tục; nghiêm khắc xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã kỷ luật ba cán bộ, đảng viên không gương mẫu xóa bỏ hủ tục.
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã có những thay đổi rõ nét trong cuộc sống của người dân vùng cao Quản Bạ. Đơn cử như việc cưới xin nay đã giảm bớt tục thách cưới cao; tình trạng ép hôn, gả bán không còn; giảm hẳn số vụ tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Cộng đồng người dân tộc H’Mông, Dao, Bố Y trước đây ăn uống trong đám cưới, lễ dạm ngõ kéo dài nhiều ngày, nay gói gọn ăn một bữa chính. Một số hủ tục lạc hậu trong việc tang từng bước được xóa bỏ, giảm thiểu việc ăn uống dài ngày cũng như tình trạng giết mổ nhiều gia súc; các nghi lễ được lược bỏ, xóa bỏ nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc...
Được biết, Ban Dân vận Huyện ủy đã tiến hành rà soát từ cơ sở theo bốn nhóm lĩnh vực: Việc cưới, việc tang, đời sống, lễ hội. Qua rà soát có 38 nội dung cần cải tiến; 40 nội dung cần xóa bỏ; đồng thời xác định rõ giải pháp, lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xóa bỏ hủ tục ở vùng cao Quản Bạ vẫn còn nhiều thách thức cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị.
Theo Bí thư Huyện ủy Đỗ Văn Hùng, xóa bỏ hủ tục tại huyện vùng cao Quản Bạ có thể xem như “một cuộc cách mạng” thay đổi nhận thức. Để đạt được kết quả, huyện xác định phải kiên trì, làm từng bước, với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, song phải quyết liệt, chủ động, tích cực trong quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng giải pháp chính là tuyên truyền, vận động, thuyết phục ■