Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo các điểm a, b, khoản 3, và điểm đ, khoản 2, Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là vụ án lớn, liên quan nhiều đối tượng ở 11 tỉnh, thành phố và được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, số lượng xăng bị làm giả và bán ra thị trường lên đến hàng trăm triệu lít, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Các bị cáo đã thu lợi bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong số 39 bị cáo, có 15 bị cáo thu lợi trái pháp luật từ 27,6 triệu đồng đến hơn 102 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Sướng (53 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) là người trục lợi nhiều nhất sau khi sản xuất và bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả.
Tại phiên tòa, 37 bị cáo có mặt, hai bị cáo còn lại có đơn xin xét xử vắng mặt. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ hôm nay đến cuối tháng 4-2021. Hội đồng xét xử chia các bị cáo thành bốn nhóm và xét hỏi theo từng nhóm.
Trước đó, qua quá trình điều tra, thu thập bằng chứng, ngày 22-1-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang hai nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông để pha trộn với xăng, nhằm bán ra thị trường và thu lợi bất chính. Đường dây này do Hồ Thị Nhẫn và Nguyễn Văn Hướng điều hành.
Kết quả điều tra xác định, nguồn gốc dung môi của Hồ Thị Nhẫn mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (thường trú tại tỉnh Đồng Nai). Các đối tượng Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty Phạm Sơn do bà Nguyễn Thị Thu Hòa (TP Cần Thơ) điều hành.
Ngày 28, 29 và 30-5-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng... khi đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang.