Xét duyệt mẫu tượng Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du đặt tại vườn hoa thị trấn Thường Tín

NDO - Ngày 15/6, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức cuộc họp của Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du để xét duyệt mẫu tượng (bước 1) tượng đồng Nguyễn Du đặt tại vườn hoa Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Tuấn Phong góp ý các phác thảo tượng Nguyễn Du dự kiến đặt tại vườn hoa tại thị trấn Thường Tín. (Ảnh: Việt Hoàng)
Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Tuấn Phong góp ý các phác thảo tượng Nguyễn Du dự kiến đặt tại vườn hoa tại thị trấn Thường Tín. (Ảnh: Việt Hoàng)

Sau khi tổ chức Tọa đàm khoa học về Danh nhân văn hóa, đại thi hào Nguyễn Du với huyện Thường Tín (ngày 4/9/2023) và sắp xếp, bài trí bố cục các hạng mục trong không gian vườn hoa Nguyễn Du tại thị trấn Thường Tín (Hà Nội), huyện Thường Tín đã được Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và dịch vụ thương mại Sông Hồng (đơn vị tài trợ) ủng hộ kinh phí tài trợ công trình tượng đài danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du.

Công trình tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du là công trình cấp III. Tượng đài gồm tượng và bệ tượng. Trong đó, bệ tượng cao dự kiến từ 2,5 đến 3,2m. Tượng cao dự kiến từ 3,9 đến 5m.

Tượng đài dự kiến sử dụng chất lượng hợp kim đồng, phần bệ tượng là bê-tông cốt thép ốp đá tự nhiên.

Khu vực đặt tượng tại vườn hoa Nguyễn Du, Thị trấn Thường Tín được thiết kế đồng bộ cảnh quan, cây xanh, chiếu sáng.

Việc xây dựng tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du tại vườn hoa Nguyễn Du, Thị trấn Thường Tín - nơi ông đã làm quan tri phủ trong 3 năm (từ năm 1802 đến 1804), thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín với công lao to lớn của Nguyễn Du.

Tượng đài Nguyễn Du được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan, không gian nghệ thuật khu vực công viên, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại hội nghị, Hội đồng nghệ thuật đã nghe các nhóm tác giả trình bày 4 mẫu phác thảo tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du.

Nhìn chung, các mẫu phác thảo đều có giá trị nghệ thuật mang tính khái quát, hàm chứa ý tưởng sâu sắc, hình khối, đường nét biểu cảm, chắt lọc. Chân dung bức tượng thể hiện thần thái, khí chất của Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du trí tuệ, mẫn tiệp, thông tuệ, tươi sáng, gần gũi với công chúng.

Các thành viên của Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn, góp ý để nhóm tác giả tiếp tục chỉnh sửa mẫu phác thảo để bức tượng phù hợp với bối cảnh lịch sử, đạt được sự hài hòa và có tính mỹ thuật cao, làm cơ sở cho nhà tài trợ thực hiện các công việc tiếp theo.

Trong những năm qua, cùng với việc tập trung đầu phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích.

Giai đoạn 2021-2026, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện đang tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng. Bên cạnh ngân sách nhà nước, huyện huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các di tích, lễ hội trên địa bàn.

Nhiều công trình văn hóa lớn trên địa bàn như Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình), Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới (xã Nhị Khê) đã được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, ủng hộ, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thống hiếu học của Thường Tín - nơi được mệnh danh là vùng đất danh hương, khoa bảng, từng bước xây dựng huyện Thường Tín ngày càng văn minh, giàu đẹp và bản sắc.

Sử cũ chép rằng, tháng 11/1802, Nguyễn Du được vua Gia Long bổ nhiệm làm Tri phủ Thường Tín. Lúc bấy giờ, Thường Tín là một phủ lớn, gồm địa bàn 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên ngày nay.

Trong 3 năm (1802-1804) giữ chức Tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du đã có công phát triển kinh tế của Thường Tín, xây dựng phủ Thường Tín thành vùng đất giàu lúa gạo, nơi có các nghề mộc, khảm, sừng và là trung tâm giao thương do sự kết nối của sông Nhuệ, Kim Ngưu và Tô Lịch.