Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở:

Xem xét kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi của Luật sang các tổ chức có sử dụng lao động

NDO - Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 22/10. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 22/10. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước là phù hợp, tuy nhiên quy định chặt chẽ việc thực hiện dân chủ với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chưa hẳn hợp lý.

Theo đại biểu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối tư nhân đã có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch với những chế tài cụ thể tại Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Bộ luật Dân sự.

Việc quy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho những người có hợp đồng lao động là không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới vấn đề bảo mật cũng như đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong thực tế.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh ngoài nhà nước.

Xem xét kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi của Luật sang các tổ chức có sử dụng lao động ảnh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Lý giải nguyên nhân, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết dân chủ là phạm trù thuộc quan hệ giữa Nhà nước và công dân; quan hệ này không theo phương thức thỏa thuận và bình đẳng, do đó cần phải có dân chủ. Nhà nước do dân bầu ra và trao quyền lực nên phải bảo đảm dân chủ cho dân và chống lạm quyền. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thì không có phạm trù này, chỉ có phạm trù thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên pháp luật lao động của Việt Nam được thiết kế ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do đó, nếu luật này có những quy định can thiệp vào quan hệ lao động và thị trường lao động ở mức độ sâu hơn, nhiều hơn so với các thể chế hiện hành về quan hệ lao động và quan hệ doanh nghiệp, thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, hoạt động quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Đại biểu kiến nghị, trong trường hợp Quốc hội vẫn thông qua nội dung thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động thì đề nghị không áp dụng đối với doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ngoài nhà nước để tránh những hệ lụy xảy ra.

Đủ cơ sở chính trị và thực tiễn để thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp tư nhân

Phát biểu tranh luận tại phiên họp về việc có thực sự cần thiết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng vấn đề này có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn để thực hiện.

Về cơ sở chính trị, đại biểu nêu rõ, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm đáng chú ý: Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở; và quy định Ban Thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Xem xét kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi của Luật sang các tổ chức có sử dụng lao động ảnh 2

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu tranh luận tại phiên họp. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Về cơ sở pháp lý, đại biểu cho biết Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền làm chủ và việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các tổ chức cũng được quy định ở các văn bản dưới luật.

Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần phải đưa nội dung này vào luật nhằm bảo đảm tốt hơn, thể chế tốt hơn và thực hiện tốt hơn.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) bày tỏ thống nhất với phương án quy định chung về thực hiện dân chủ ở cả 3 loại hình ở xã, phường, thị trấn, ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tất cả các loại hình doanh nghiệp, cũng như tại các tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có thêm những yêu cầu khác đối với từng loại hình doanh nghiệp và có quy định riêng tùy theo yêu cầu quản lý.

Xem xét kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi của Luật sang các tổ chức có sử dụng lao động ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) tham gia ý kiến thảo luận. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Theo đó, đối với quy định người lao động tham gia ý kiến, bàn và quyết định một số nội dung, người lao động kiểm tra, giám sát ý kiến, đại biểu kiến nghị cần bổ sung thêm nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động. Có quy định về nguyên tắc sẽ nhằm tránh việc lạm dụng để ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, cũng như tránh tạo ra những rủi ro trong quá trình thực hiện.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động… Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này thì việc quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật này là cần thiết.