Xây dựng xã hội học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân học tập suốt đời. Các giải pháp xây dựng xã hội học tập góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức học tập thường xuyên, liên tục của mỗi cá nhân, gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tìm hiểu dữ liệu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tìm hiểu dữ liệu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, từ năm 2018, Hội Khuyến học Quận 10 đã xây dựng và triển khai mô hình “Chi hội 3 tốt” trong toàn quận. Ðây là tiền đề quan trọng để hội tập trung đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, nuôi heo đất khuyến học, xây dựng gia đình học tập, nâng cao ý thức học tập của hội viên. Qua thực hiện mô hình “Chi hội 3 tốt”, Hội Khuyến học Quận 10 đã phát huy vai trò, tính chủ động của các chi hội, từng bước đưa công tác hội đi vào chiều sâu, sát với thực tiễn.

Tính đến cuối năm 2022, tổng số hội viên khuyến học của Quận 10 là 46.770 hội viên, đạt gần 23% tổng dân số toàn quận; 100% phường, cơ quan, trường học và khu phố, tổ dân phố có tổ chức hội. Toàn quận có gần 79% hộ gia đình được công nhận đạt gia đình học tập, 99% khu phố được công nhận cộng đồng học tập, 90% số cơ quan, trường học trên địa bàn quận đạt danh hiệu đơn vị học tập...

Từ sức lan tỏa mô hình “Chi hội 3 tốt” giai đoạn 2018-2021, Hội Khuyến học Quận 10 tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Chi hội 3 tốt” giai đoạn 2023-2026. Trong đó, tập trung đến ba nội dung: Chi hội thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị; Chi hội thực hiện tốt công tác liên kết, phối hợp; Chi hội thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động phong trào của hội, làm nòng cốt xây dựng các mô hình học tập suốt đời. Ngoài mô hình “Chi hội 3 tốt”, Hội Khuyến học Quận 10 còn triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo để xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Cụ thể, hội đã triển khai mô hình “Ðảng ủy/cấp ủy 4 có”, “Hội Khuyến học 6 có”; tổ chức các tọa đàm, hội thi “Tìm hiểu về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, “Cán bộ khuyến học giỏi khu vực trường học”, “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn quận”, “Vai trò của Hội khuyến học trong thực hiện các mô hình học tập”… Bà Phạm Ngọc Hiền, Chủ tịch Hội khuyến học Quận 10 cho biết: Trong quá trình hoạt động, Hội Khuyến học Quận 10 luôn gắn kết chặt chẽ mục tiêu, nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng đô thị văn minh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn quận; qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Giảm nghèo-Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Quận 10.

Hiện nay, Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh, mở ra những khâu đột phá, sáng tạo những mô hình của phong trào khuyến học mang lại những bài học, những kinh nghiệm có giá trị đã được phổ biến rộng rãi trong cả nước. Hội đã trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn gắn liền với phong trào học tập của nhân dân, góp phần xây dựng vào công cuộc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố học tập.

Toàn thành phố có 310 hội khuyến học phường, xã; 4.643 chi hội khuyến học… với gần 1,5 triệu hội viên khuyến học, đạt hơn 18% dân số toàn thành phố. Hội viên khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 27% số hội viên khuyến học cả nước, đã vượt mốc phấn đấu xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh-Thành phố của triệu hội viên khuyến học”. Ðáng chú ý, trong tổng số gần 1,5 triệu hội viên, có 82,5% hội viên xây dựng quỹ khuyến học gia đình, hơn 98% số đảng viên trên địa bàn dân cư là hội viên khuyến học.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Dương Trí Dũng cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được môi trường học tập trong toàn xã hội. Phong trào học tập phát triển sôi nổi trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, góp phần ổn định chính trị, tăng năng suất lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng tình làng nghĩa xóm... Ðể thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong bối cảnh mới, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Ðồng thời, thành phố tiếp tục huy động nguồn lực, sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội hướng đến mục tiêu nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Cũng theo ông Dương Trí Dũng, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân học tập suốt đời, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã và đang tập trung xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; triển khai chính quyền điện tử trong ngành giáo dục, phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục. Xây dựng ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến để hỗ trợ người dân thành phố học tập suốt đời….