Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho HSSV. Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi... Bộ GD và ÐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.
Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong nhà trường đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên, Trường đại học An Giang đã xây dựng, soạn thảo và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Bộ quy tắc ứng xử được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của trường. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học… Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Quách Văn Phẩm (Cà Mau), Võ Thanh Hùng cho biết: Hai tuần một lần, nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào tiết 1 đầu tuần liên quan đến văn hóa ứng xử. Hình thức sinh hoạt là giao một lớp chọn chủ đề, tự thiết kế và thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách công tác Ðoàn. Những câu chuyện ý nghĩa, những vở kịch hay, những vấn đề mang tính thời sự, chủ đề giáo dục truyền thống đã làm lay động trong tâm hồn các em, từ đó các em có ý thức rèn luyện bản thân để sống tốt hơn. Qua những lần tổ chức, bản thân từng học sinh rút ra nhiều bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống, có ý thức rèn luyện cách ứng xử ngày càng có văn hóa hơn.
Bên cạnh phần lớn các cơ sở giáo dục làm tốt thì thời gian vừa qua, ở một số địa phương, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ứng xử thiếu văn hóa của HSSV, cán bộ, giáo viên vẫn xảy ra. Một bộ phận HSSV thường xuyên chia sẻ, bình luận thô tục trên mạng xã hội, truy cập những thông tin xấu, độc hại, bạo lực, có trường hợp bị lôi kéo, tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật thông qua môi trường mạng. Một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, có hành vi và thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non... Mặt khác, theo giảng viên Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường đại học Ðồng Tháp Lê Thị Thanh Yến, vẫn còn tình trạng một số phụ huynh phó mặc việc dạy dỗ con em cho nhà trường. Trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh và khách đến làm việc đôi khi còn thiếu chuẩn mực về tác phong, thái độ, hành vi, ngôn ngữ. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử tại cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu. Ở một số nơi, người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt vai trò nêu gương trong ứng xử văn hóa.
Ðể công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường thật sự có hiệu quả, đại diện Trường THPT Chuyên Trần Ðại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân. Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn đối với các học sinh khóa sau. Ðại diện Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Các trường xây dựng chế độ khen thưởng và kỷ luật hợp lý, công bằng sẽ động viên, kích thích được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống.
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD và ÐT) Bùi Văn Linh, các cơ sở giáo dục cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Ðây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó phối hợp gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em. Bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT đã triển khai các thông tư, hướng dẫn về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và thường xuyên. Ðây là lần đầu tiên, các quy định về văn hóa ứng xử đối với cán bộ, quản lý, nhà giáo, học sinh và nhân viên, học sinh và khách đến làm việc tại các trường học được quy định dưới dạng quy phạm pháp luật. Bộ quy tắc sẽ quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.