Đây là hoạt động hưởng ứng tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD và ĐT phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Theo ban tổ chức, hoạt động nói trên nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện trong đó có khuôn viên trường đại học không có bạo lực đối với mọi thành viên trong trường. Môi trường giáo dục an toàn và thân thiện là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số trường học xảy ra các hành vi bạo lực giới thông qua những hình thức khác nhau như: cô lập, tẩy chay, phân biệt đối xử, bắt nạt, rình rập, quấy rối, tấn công tình dục và thậm chí là bạo lực.
Trong một khảo sát quốc gia vào năm 2017 của UNESCO về bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam, 51,9% học sinh tham gia khảo sát đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng sáu tháng gần nhất. Trong đó, hơn 70% học sinh tham gia khảo sát thuộc nhóm thiểu số tính dục (LGBTQI) báo cáo là đã từng bị bạo lực lời nói và xâm hại thể chất.
Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Hằng, bạo lực học đường trên cơ sở giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và kết quả học tập, lao động của học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường. Về lâu dài, những hành vi bạo lực như vậy có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và không bạo lực luôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của ngành giáo dục.
Tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khuyến nghị các trường và ngành Giáo dục thực hiện các hành động thiết yếu được khuyến cáo trên toàn cầu bởi UN Women để xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và không bạo lực. Đó là: Tiến hành các khảo sát, nghiên cứu để đánh giá tình hình bạo lực giới học đường; ban hành các chính sách liên quan dựa vào bằng chứng về các loại hình bạo lực giới học đường mà học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và cán bộ nhân viên phải trải qua.
Bên cạnh đó, ban hành các quy trình quy định chi tiết các thủ tục để xử lý các trường hợp bạo lực; thực hiện các biện pháp tạm thời và hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực giới học đường; thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ; phân bổ ngân sách cho công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới học đường. Đồng thời, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân và kết nối nạn nhân đến các dịch vụ thiết yếu; triển khai các chương trình nâng cao nhận thức và vai trò của người chứng kiến trên toàn ngành…
Kết thúc lễ phát động, đại diện Bộ GD và ĐT, UN Women và các trường cùng tham gia ký cam kết “Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên”, nhằm thể hiện sự quyết tâm chung tay bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xóa bỏ bạo lực giới.