Năm 2007 Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Bản Thi với tổng số vốn 33 tỷ đồng, quy mô 50 giường bệnh. Năm 2008, bệnh viện được hoàn thành, khang trang, các hạng mục đồng bộ, trang thiết bị khám và chữa bệnh khá đầy đủ, trong đó có nhiều thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhưng từ đó đến nay bệnh viện này bỏ hoang, thiết bị y tế còn trong bao gói, không được sử dụng.
Được biết, cũng trong những năm này Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên có chủ trương tăng cường quy mô khai thác, chế biến quặng chì - kẽm tại Bản Thi, hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 9 triệu USD xây dựng nhà máy bột kẽm ô xít. Dự kiến sẽ có hàng chục nghìn cán bộ, công nhân làm việc ở khu vực này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho quy mô khai thác, chế biến không được thực hiện như dự kiến ban đầu, còn nhà máy bột kẽm ô xít thì “đắp chiếu” ngay sau khi chạy thử nghiệm.
Trong khi đó, Bệnh viện Bản Thi đã làm xong mà không được đưa vào sử dụng, để cỏ mọc um tùm, từ đó đến nay một số hạng mục đã có biểu hiện xuống cấp.
Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên là công ty mẹ của Công ty kim loại màu Bắc Cạn đang hoạt động tại xã Bản Thi chỉ có khoảng sáu trăm cán bộ, công nhân. Những năm gần đây sản xuất, kinh doanh của Công ty Kim loại màu Bắc Cạn gặp rất nhiều khó khăn, có những thời điểm giá thành sản xuất cao hơn giá bán, sản phẩm tồn đọng, công nhân phải nghỉ việc luân phiên.
Giám đốc Công ty Kim loại màu Bắc Cạn Nguyễn Thế Dũng cho biết : “Công ty chúng tôi không có chức năng khám chữa bệnh, quy mô sản xuất không thực hiện được như chủ trương ban đầu, không có khả năng để điều hành, tổ chức hoạt động, cấp kinh phí cho bệnh viện này. Do đó, chúng tôi bàn giao cho tỉnh Bắc Cạn quản lý, sử dụng để khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc xã Bản Thi, các xã lân cận và cán bộ, công nhân Công ty kim loại màu Bắc Cạn”.
Trong khi Bệnh biện Bản Thi với toà ngang dãy dọc, khang trang tọa lạc giữa trung tâm xã Bản Thi đang bị bỏ hoang thì năm 2012 huyện Chợ Đồn lại đầu tư gần ba tỷ đồng để xây dựng Trạm y tế xã Bản Thi, cách bệnh viện Bản Thi không xa làm cho dư luận nhân dân rất băn khoăn.
Khu vực các xã phía nam huyện Chợ Đồn bao gồm các xã Yên Thịnh, Yên Thượng, Bản Thi, Công ty kim loại màu Bắc Cạn với hàng chục nghìn người sinh sống, là vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, cách trung tâm huyện Chợ Đồn hơn 30 km.
Mỗi khi có bệnh, nhân dân và công nhân phải đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện huyện Chợ Đồn rất vất vả. Nếu sau khi tiếp nhận, tỉnh Bắc Cạn đưa Bệnh viện Bản Thi thành bệnh viện, hoặc phòng khám đa khoa khu vực thì nhân dân sẽ khắc phục được vấn đề đi lại cách trở, khám chữa bệnh gần nhà cũng sẽ thuận tiện hơn.
Đồng thời Bệnh viện Bản Thi làm thêm nhiệm vụ y tế dự phòng trên địa bàn xã Bản Thi thì sẽ không cần trạm y tế xã Bản Thi nữa, do đó đầu tư xây dựng trạm y tế xã Bản Thi là một sự lãng phí lớn. Trong khi Bản Thi là một xã nghèo, các công trình phúc lợi khác đều thiếu thốn, xuống cấp đang cần xây dựng thì lại không đầu tư.
Tuy nhiên, cái khó của tỉnh hiện nay là ngân sách eo hẹp, đội ngũ cán bộ y tế đang thiếu, việc đưa Bệnh viện Bản Thi vào khai thác có hiệu quả đang là bài toán đối với địa phương.
Việc xây trạm y tế Bản Thi bên cạnh bệnh viện đang bỏ hoang thể hiện sự thiếu phối hợp giữa các cấp, ngành của địa phương với doanh nghiệp trong việc sử dụng cơ sở vật chất.